02 May 2008

Chuyện một người lính

Trong thế chiến thứ hai, Hòa Lan - mặc dù tuyên bố trung lập - vẫn bị Đức chiếm đóng hoàn toàn. Trị trấn Goirle cũng vậy, thời đó nằm trọn trong tay quân đội Đức và rất căm ghét bọn giặc thù xâm lược này. Một ngày thứ sáu của tháng 10 năm 1944, anh lính Đức trẻ tuổi Karl-Heinz Rosch, năm đó vừa 18, chập chững bước vào trận tuyến khốc liệt tại đây. Giữa buổi trưa đầu thu, bãi chiến trường đang ngập ngụa khói súng của phe Đồng minh đang từng bước tiến dần tới, Rosch bỗng trông thấy hai đứa bé đang chơi đùa thản nhiên như bỏ ngoài tai tiếng bom đạn vang rền kề bên. Không chút nghĩ ngợi, anh ta vội vàng chạy đến, thả súng xuống và xốc hai đứa nhỏ chạy về ngôi nhà gần đó giao cho bà mẹ chúng. Khi chạy ra trở lại lượm súng, anh ngã gục vì một trái lựu đạn bay tới nổ dưới chân, ngay chỗ hai đứa bé khi nãy còn ngồi chơi.

Câu chuyện chắc sẽ nằm yên trong ký ức, nếu như không có một số người dân Goirle sau 64 năm vẫn không quên người lính trẻ tuổi của đoàn quân xâm lược và muốn dựng một bức tượng tưởng nhớ Rosch. Mẫu mã đã xong, giờ họ đang quyên góp để đúc tượng (chuyện nhỏ) và xin phép địa phương được đặt tượng ở một nơi công cộng trong thị trấn (chuyện lại không nhỏ chút nào). Khó ở đâu? Ở Hòa Lan không thiếu nơi tưởng niệm chiến sĩ các bên tử trận, kể cả quân Đức. Nhưng khác với những bảng đồng, bia đá hay các kiến trúc trừu tượng khác, bức tượng này tạc lại hình ảnh một người lính trẻ trong bộ quân phục Đức quốc xã với chiếc nón sắt đặc trưng, cho dù hai tay anh ta không cầm súng mà là đang cắp nách hai em nhỏ. Thế là cả xứ Hòa Lan tí tẹo lại chìm ngập trong những cuộc khẩu chiến, bút chiến. Rằng cha, anh, đồng hương của Rosch không qua xâm lăng nước này thì đã cần ai phải cứu hai đứa nhỏ. Rằng chính hình ảnh người lính Đức xâm lăng như vậy mới nói lên được cái dũng, cái nhân vẫn tồn tại đâu đó trong con người, cho dù dòng máu nào, sắc áo nào đi nữa. Rằng thật ra Rosch được tưởng nhớ vì đã ngã gục khi cúi xuống lượm súng, mà anh ta cũng chỉ là một người lính đang tham gia trực diện cuộc chiến thì sao lại được "ưu đãi" hơn bao nhiêu người khác của cả hai bên? Rằng để xóa đi sự thù hận vẫn còn lẩn quất, phải cho thế hệ hôm nay hiểu được chẳng phải chỉ có những tên lính Đức khát máu, mà cũng có những thanh niên xứ láng giềng như Rosch, tuy bị đẩy đưa cầm súng xâm lược nhưng vẫn không quản tính mạng để cứu trẻ em vô tội...


Tranh luận còn sôi nổi thì đã nghe tin các nhóm Tân Quốc xã (dĩ nhiên là của Đức) lại nhân dịp này vận động rình rang, bảo khi nào tượng dựng xong sẽ rầm rộ kéo sang "hành hương", viếng "chiến hữu anh hùng" của họ...

Thế giới này là như vậy thôi, ngặt là chẳng còn thế giới nào khác để mà chọn lựa.

No comments: