Đàn ông Mỹ kể ra thật lạ! Từ xưa vốn đã không có mấy giới tha thiết với chuyện đeo cà vạt đi làm, nay thì nghe nói cả ở những nơi bấy lâu có vẻ giữ kẽ như khu chứng khoán Wall Street người ta cũng bảo nhau để cổ trần mà lên sàn môi giới. Lẽ nào ngày tàn của cái cà vạt lại đến bên Tân Thế Giới nhanh đến vậy sao?
Cà vạt qua các thời đại: Ludwig van Beethoven (tranh Joseph K. Stieler), Robert de Montesquiou (tranh Giovanni Boldini)
và trong trang phục ngày nay
Đúng ra thì mọi sự đã rành rành cả rồi. Theo khảo sát của viện Gallup thì năm 2007 chỉ còn có 6% người Mỹ đeo cà vạt đến sở làm mỗi ngày, trong lúc 5 năm trước đó vẫn còn được 10%. Mà có đeo hay không thì thực sự cũng không mấy quan trọng. Vấn đề là doanh thu cà vạt ở Mỹ cũng tuột dốc thảm thương, 1995 từ 1,3 tỷ đô la một năm nay chỉ còn chưa đến 700 triệu. Và trong lượng hàng bán được, cà vạt nội địa Mỹ chỉ còn chiếm có 40% - so với 75% năm 1995. Với ngày lễ cha sắp tới vào cuối tuần này, người ta vẫn trông đợi là nhân dịp này dân Mỹ sẽ lại mua sắm kha khá cà vạt để làm quà cho chồng, cho cha, nhưng nói chung thì đà đi xuống đã quá rõ, và chẳng ai nghĩ là có thể xoay chuyển gì được nữa. Cho nên hiệp hội các hãng cung cấp cà vạt Mỹ (Mens’ Dress Furnishings Association) vừa rồi đã không trống không kèn mà tự giải tán sau 60 năm hoạt động. Nhớ lại, vào những năm 1980 họ có đến những 120 doanh nghiệp thành viên, nay thì chỉ còn lác đác có 25. Mà trong số này cũng chẳng mấy ai có vẻ hào hứng gì nữa vì ngay cả trong những buổi họp chính thức hàng năm của hội trong hai năm trở lại đây, chính một số người đại diện đến tham dự cũng không màng đeo cà vạt!
Không hiểu dân Mỹ có quên là cà vạt chẳng phải là một thứ mốt qua đường hay không? Vì đeo nó là đeo cả hơn 3 thế kỷ truyền thống của lục địa châu Âu chứ đâu ít. Từ giữa thế kỷ 17, những người lính đánh thuê thiện chiến xứ Croatia sang hỗ trợ lực lượng cho triều đình Pháp thời Hồng y Richelieu chấp chánh đã đem theo cái kiểu đeo khăn quấn cổ đặc trưng của họ và khai sinh luôn ở đó cách phục sức sớm được yêu chuộng này. Từ "la cravate" tiếng Pháp được coi là phát xuất từ lối nói ban đầu "à la croate" (theo kiểu phát âm miền Nam Đức của từ "Hrvat", tức người xứ Croatia trong ngôn ngữ của họ). Và không lâu sau, mốt đeo khăn cổ này đã lan ra khắp thế giới, kể cả Mỹ châu. Trong thời cách mạng Pháp và sau này trong cách mạng 1848 ở Đức, chính màu sắc của mảnh cà vạt quấn cổ đã đóng vai trò phân biệt thù bạn, quyết định cả sinh tử. Đến ngày nay, trải qua nhiều biến đổi về hình dáng, mẫu mã, cách thắt, cách đeo, cà vạt cuối cùng đã trở thành một phần tử tuy nhỏ nhưng đầy cá tính và không thiếu được trong thứ "đồng phục công sở" của đàn ông gần như khắp nơi trên thế giới.
Tuy thời thế có vẻ bất lợi nhưng hiệp hội các nhà sản xuất cà vạt Mỹ vẫn chưa mất hết hy vọng sẽ chinh phục thị trường trở lại. Trang web của họ vẫn còn đó, và vẫn dành chỗ đặc biệt để hướng dẫn cách chọn và đeo cà vạt cho những người được mời phỏng vấn xin việc làm. Vì đây chính là môi trường duy nhất ở Mỹ vẫn còn áp dụng luật lệ bất thành văn là phải đeo cà vạt. Cho nên, với chiều hướng bất ổn định trong lãnh vực tài chính Mỹ hiện nay, xem ra cà vạt vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn đất dung thân.