29 May 2008

Nhân đạo và biểu tượng

Kể đến đầu thế kỷ 21 này, chuyện xây dựng một thẩm quyền quán thế đứng bên trên (hay bên ngoài) mọi sự khác biệt và tranh chấp trên toàn thế giới vẫn còn là một giấc mơ. Giấc mơ này có không ít khả năng vĩnh viễn phải chịu duyên phần một giấc mơ của cộng đồng loài người, cho dù đây đó đã lấp ló một vài hiện thân nho nhỏ - nhưng nói chung vẫn bất lực - như tổ chức Liên Hiệp Quốc (và tiền thân của nó là Hội Quốc Liên) với các Ủy ban trực thuộc, Công pháp quốc tế, Tòa án quốc tế, và nhất là Liên hiệp Chữ thập đỏ (Hồng thập tự) quốc tế.

Tại sao một tổ chức như phong trào Chữ thập đỏ với tiêu chí duy nhất là cứu hộ nhân đạo - sau gần một thế kỷ rưỡi làm việc - vẫn lắm khi bị nhìn dưới con mắt hồ nghi, thiếu tin tưởng, thậm chí còn bị xua đuổi hay cấm đoán hẳn như mới đây ở Miến Điện? Lẽ nào một trong những nguyên nhân chính lại nằm ngay ở cái tên và biểu tượng của phong trào?

Vì rằng có mấy ai còn nhớ là biểu tượng chữ thập đỏ đơn thuần chỉ là hình ảnh đảo ngược của quốc kỳ Thụy sĩ, được chọn để vinh danh nguồn gốc của người sáng lập tổ chức này là Henri Dunant. Mà biểu tượng để mà làm gì? Ở thời điểm thành lập (1863), với mục tiêu lúc đầu là săn sóc và cứu chữa cho binh sĩ bị thương ngay tại chiến trường, người ta hoàn toàn không nghĩ đến vai trò của một thương hiệu mà chỉ đơn giản muốn có một lá cờ biểu thị rõ ràng vai trò trung lập và nhân đạo, được các bên tham chiến nhìn nhận và bảo vệ khi thực hiện việc cứu hộ ngay trên chiến trường. Nhưng biểu tượng bao giờ cũng vẫn mang vai trò biểu tượng, cho cái này hay cho cái khác. Chính lá cờ chữ thập đỏ mang tính nhân đạo này, khi cứu giúp các thương binh Hồi giáo trong cuộc chiến Nga - Thổ nhĩ kỳ 1877-1878 lại gợi lại cho họ hình ảnh các cuộc Thập tự chinh đẫm máu thời Trung cổ. Vì vậy mà Phong trào từ đó đã lấy thêm một biểu tượng thứ nhì là Trăng lưỡi liềm đỏ và về sau cũng đổi tên cho tương ứng thành Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Nhưng cho dù nguồn ngọn thực sự ra sao và mục đích cao thượng thế nào thì việc đưa thêm vào Trăng lưỡi liềm đỏ dù muốn dù không lại đã gián tiếp nhìn nhận là biểu tượng chữ thập đỏ vô tư kia có liên quan đến thập tự giá của truyền thống Thiên chúa giáo.

Có lẽ đây là một nước cờ tuy nhân đạo nhưng lại mang nhiều bất lợi cho phong trào. 1922 vương quốc Ba Tư cũng đòi hỏi cho bằng được sự công nhận biểu tượng Sư tử và mặt trời đỏ mà chỉ đến 1980, khi trở thành nước Cộng hòa Iran họ mới từ bỏ. Dĩ nhiên các quốc gia khác cũng không chịu "thiệt thòi" và tranh nhau yêu cầu biểu tượng riêng của mình. Afghanistan với vòm cửa đỏ, Congo con cừu đỏ, Ấn độ chữ vạn đỏ,... Tuy vậy, phong trào sớm nhận ra sai lầm và tuyệt đối không chấp nhận thêm biểu tượng nào khác. Cho đến 2005, khi sự tranh cãi về biểu tượng ngôi sao David đỏ mà nước thành viên Do thái (hội Magen David Adom) tùy tiện sử dụng lên đến cao độ, phong trào đã phải thông qua thêm một giải pháp thỏa hiệp: biểu tượng "Tinh thể đỏ" với hình dạng hình thoi trở thành biểu tượng thứ ba mang tính cách trung lập của phong trào.

Chừng ấy biểu tượng tưởng đã đủ đáp ứng cho mọi tình thế, đủ để yên tâm trở về tập trung vào mục đích chính là cứu hộ nhân đạo. Nhưng tiếc rằng thực tế cho thấy vẫn không được như vậy, như đã thấy ở Miến Điện, Zimbabwe hay Darfur.

Hay là có khi lại cần thêm một biểu tượng nữa với ý nghĩa nhân đạo cưỡng chế cho những trường hợp này?

25 May 2008

Lá thư Tây Hồ

Thư Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Tất Thành

Marseille ngày 18-12-1922

Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người, nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tưởng bên nhà. Chính phủ bảo hộ thì nói rằng: cái việc dẹp loạn là để an dân, làm mấy con đường hỏa xa, mấy cái học đường, mấy cái nhà thương là để khai hóa xứ An Nam mình. Cái công lao ấy thì báo chương Ba Lê[1] nhan nhản đăng lên, còn cái sưu cao thuế nặng, cái tham quan lại nhũng, cái sĩ khí dân tình bị chém giết, bị bỏ tù, bị đày ải kia thời họ im phăng phắc. Bởi cái cảnh thất quốc vong gia kia, lòng dân đồ thán, nên cảnh giang hồ chúng mình làm sao mà nguôi dạ được, hồn Tổ quốc nặng trĩu trên vai, xót vì quốc dân đồng bào đương rên xiết bởi cường quyền áp chế.

Thực trạng dân tình thế thái bên nhà, bọn mình biết rõ, bấy lâu nay bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao. Khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu[2], ông Lư Thoa[3] khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên đất An Nam mình. Xem thế thì gẫm ngay được rằng: một chủng tộc muốn như chủng tộc văn minh chỉ có tự lập tự cường. Nhưng khốn nỗi nước An Nam ta từ ngày quan quân nước Pháp đem binh thuyền đến mà chinh phục mãi tới ngày nay, sĩ khí dân tình khởi sự chống lại chính phủ bảo hộ tiếp diễn liên miên, hết cuộc này, đến cuộc khác, rốt cuộc đâu hoàn đó, chẳng nhúc nhích được chút nào. Ngày nay, việc khởi sự lần hồi giảm đi bởi cái dã tâm của hạng người dạ thú, của kẻ đầu trâu mặt ngựa, bởi thiếu người hướng đạo.

Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan[4] đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi lại thời không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội[5] của anh, và cả cái dụng lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi phương pháp bất hòa mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng hủ nho thủ cựu. Cái điều tôi đã thấy rằng: tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan. Tôi tự ví tôi ngày nay như con ngựa đã hết nước tế, tôi nói thế chẳng hề dám ví anh là kẻ tử mã lục thạch[6]. Thực tình từ trước đến nay tôi chẳng khinh thị anh, mà tôi còn phục anh nữa là khác. Tôi thực tình cứ sao nói nấy, không ton hót anh tí nào.

Mấy việc nói qua trên kia để bọn mình ôn cố một chút, còn lần này tôi phải viết cái thư này cho anh là tôi có cái hy vọng muốn anh nghe theo tôi mà lo cái đại sự. Phàm thử muốn thức tỉnh quốc dân, đồng bào đánh đổ cường quyền áp chế, thời từ xưa đến nay, từ Á sang Âu, chưa có một người nào làm cái việc như anh, anh lấy cái lẽ ở nước mình lưới giăng tứ bề, mà về nước ắt là sa cơ, gia dĩ dân tình sĩ khí cơ hồ tan tác, bởi cái chính sách cường quyền nên sự hấp thụ lý thuyết kém cỏi, bởi thế mà anh cứ khư khư cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội, cứ như cái phương pháp ấy, thời anh viết bài đăng báo chương trên đất người để mà hô hào quốc dân đồng bào bên nhà đem tinh thần nghị lực ra làm việc nước. Tôi coi lối ấy phí công mà thôi. Bởi vì, quốc dân đồng bào mấy ai biết chữ Tây, chữ quốc ngữ, cầm tờ báo mà đọc nổi. Theo ý tôi thì mình học hỏi lý thuyết hay, phương pháp tốt, thâu tóm được chữ nghĩa, có chí mưu cầu quyền lợi cho quốc dân, đồng bào thì đừng có dùng cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông gõ trống, mà phải trở về ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công. Anh không nghe lời tôi nói, anh ở hoài bên này, cứ cái lối đó thì tài năng của anh chẳng khác gì công dã tràng. Bởi cái lẽ đó mà tôi khuyên anh thu xếp mà về, đem tài năng của mình khích động nhân tâm, hô hào đồng bào ba kỳ đồng tâm hiệp lực để mà đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công.

Tôi biết anh hấp thu được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư[7], ông Lý Ninh[8], nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh rõ. Ông Mã vốn sinh trưởng trên đất Đức Ý Chi[9], ông bị chính phủ tầm nã vì cái tội cách mệnh, đành lánh nạn sang nước Anh Cát Lợi[10], sau ông lại lội về Đức Ý Chi mà làm việc, vả lại còn nói chuyện cách mệnh dân quyền của cả thế gian, là cái rốn chính ở ngay trên đất Đức Ý Chi, nên ông ấy về để mà làm việc.

Lý cũng bị cái chính phủ cường quyền Nga La Tư[11] truy nã, ông phải lánh nạn sang cái xứ Phát La Tây[12], Đức Ý Chi và Lang Sa[13], rồi ông trở lại về nước hô hào dân thợ, dân cày, lính tráng đoàn kết mới làm nổi cách mạng mà dân Âu Mỹ đều thần phục.

Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho mình như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào.

Lại còn có điều ngộ bất trắc sa cơ, đương nhiên là sự phòng xa thời ắt là lợi hơn thiển cận, song lẽ từ xưa đến nay biết bao nhân thân, chí sĩ nước mình hoặc khởi sự hay ôn hòa đương đầu với cường quyền áp chế, mấy ai khỏi vào lao lung tù tội, đày ải chém giết. Ông Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Đình Phùng bị đào mã ném xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đày biệt xứ, và nhiều không kể xiết sự đầu rơi máu chảy… Ngại vì sa cơ thì e rằng bỏ mất cái tài của mình, cơ hội chảy qua như dòng nước. Bởi thế cho nên phương pháp qui sào giác thế[14] mà anh làm được thì may mắn cho quốc dân, đồng bào ta biết dường nào. Giả như không làm được như thế, thời tài năng của anh ắt là mai một.

Anh cứ xem ông Phan Bội Châu hồi trước chẳng nghe lời tôi, mang người mang của đến cái đất Phù Tang[15], cầu cứu nghĩa đồng văn đồng chủng, chạy Đông chạy Tây, di ngoại đột nội[16], rốt cuộc chỉ làm được mấy lần khởi sự. Vả lại cái chủ trương của ông Phan mới xem qua thì hay lắm, song gẫm cho kỹ càng thì chẳng khác gì phương pháp của họ Lê cầu Thanh diệt Trịnh, họ Nguyễn cầu viện Pháp đình đánh Tây Sơn. Cổ lai thế sự, còn rành rành ra đó, ấy thế mà ông Phan cứ tôn thờ cái bài vị đồng văn, đồng chủng. Thảng như cái phương pháp của ông Phan mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi. Hồi ông ấy mới mưu đồ quốc sự, tôi có nói với ông là, ông hãy ở nhà cùng với nhân thân chí sĩ ba kỳ mà thức tỉnh nhân tâm, hợp quần hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền, Đông Tây sao mà chẳng vỗ nên bộp? Ấy thế mà ông Phan chẳng thèm nghe, mà mãi tới nay ông vẫn còn cứ cho phương pháp của ông là hay. Tôi biết anh cũng chẳng tán đồng cái phương pháp của ông Phan, vả lại tôi cũng còn tin rằng không sớm thì chầy, anh cũng lấy cái phương pháp khẩu xướng đối nhân, dụng nội triệt ngoại[17] cùng với sĩ phu dân chúng ba kỳ mà mưu đồ đại sự.

Từ xưa đến nay, tôi vẫn cho phương pháp của tôi có nhiều sự hay hơn nhiều sự dở, vì rằng người nước mình trên có chính phủ bảo hộ trông, dưới là một bầy tham quan lại nhũng, học thức trong đám dân chúng kém cỏi, thì còn gì tốt lành bằng cái tôi dựa vào lý thuyết dân quyền để mà cổ động sĩ khí dân tình, tôi thực hành cái phương pháp ấy thì tôi làm cái lối khẩu thuyết vô bằng[18] mà hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực, kết đoàn hợp xã, dân tình thức tỉnh, kháng thuế cự sưu, tố giác tham quan lại nhũng, lại bất hợp tác từ cái này đến cái nọ, dân chúng Đông Tây vỗ nên bộp mà đòi lại lợi quyền.

Cái lối khẩu thuyết vô bằng, mình có thể phơi bày hết điều hơn lẽ thiệt, ngộ ai có phản nghịch tố giác, cũng chẳng có chứng cớ minh bạch mà làm tù, làm tội nặng mình được. Đương nhiên, cái lối đó cũng khó bề kéo dài, họ ắt vịn cớ này, cớ nọ để làm tội làm tình, thế nhưng cái lúc đó vị tất không có người trực tiếp cái lối của mình hay sao? Cứ như cái hồi cự sưu có anh Châu Thơ Đồng[19], há chẳng dùng lối ấy mà hô hào dân chúng cho đến khi không còn nói ra tiếng rồi chết, ấy là sự thật đã qua. Còn ngày nay, cũng làm cái lối ấy, chẳng may bị sa cơ, thể tất lại chẳng có người nối tiếp mình thức tỉnh nhân quần, bằng cái lối đó chắc là cuồn cuộn dâng lên, rồi một ngày kia khác nào như ngọn thủy triều lôi cuốn mất cường quyền áp chế. Bởi vậy, anh coi cái lối của tôi mà tốt, thì anh cứ thể nghiệm. Anh mà làm theo tôi sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ… chớ mà anh khư khư cái lối của anh, cứ ở bên này viết báo chương, hô hào lý thuyết, thì tôi e rằng công dày mưu cao của anh cứ lần hồi mà mai một.

Tôi là một người có án tích, lại cư trú bên này, chân tay bị bó rọ, thế mà tôi cứ có nguyện vọng sẽ xin chính phủ và bộ Pháp quốc hải ngoại cho tôi về Tàu làm cái nghề viết báo chữ Hán mà kiếm sống rồi may ra có cơ hội tôi lại về. Một khi mà tôi đặt chân lên quê hương xứ sở, tôi nguyện đem hết nghị lực bình sanh mà thức tỉnh dân khí ba kỳ đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế…

Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh, đã rõ nguồn cơn. Bây giờ, thân tôi tợ chim lồng cá chậu. Vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi, anh cứ quanh quẩn bên này, thời làm sao mà tài năng của anh thi thố được? Bởi vậy, tôi thành tâm khuyên anh, mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ đi, để mà mưu đồ đại sự. Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở.

Người bạn kính thư
Phan Châu Trinh





Đám tang Phan Châu Trinh ngày 04/04/1926 được nhân dân cả ba kỳ tham
dự rất đông đảo. Riêng ở Sài Gòn có hơn 100.000 người đi theo linh cửu
(dân số Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ là 345.000 người). Trong báo cáo cho
Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc viết: "...trong lịch sử người An Nam
chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ"



    Chú thích:

    1. Ba Lê tức Paris

    2. Mạnh Đức Tư Cưu tức Montesquieu (1689-1755), nhà văn và triết gia Pháp với các tư tưởng sâu sắc về lịch sử quan và các thể chế chính trị

    3. Lư Thoa tức Rousseau (1712-1778), nhà văn và triết gia Pháp với các lý thuyết chính trị và giáo dục mở đường cho Cách mạng Pháp và ảnh hưởng sâu đậm đến triết học chính trị ở cả thế kỷ 19 và 20

    4. Phan ở đây là Phan Văn Trường (1875-1933), tiến sĩ luật học và nhà báo, là một trong những khoa bảng người Việt đầu tiên tại Pháp, tích cực ủng hộ và hoạt động cùng các chí sĩ Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền (nhóm tác giả vận động chống chế độ thực dân ở Đông dương với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc mà sau có Nguyễn Tất Thành tham gia)

    5. ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội: ngồi ngoài gọi người giỏi, đợi thời cơ mà về bất ngờ

    6. tử mã lục thạch: theo Hoàng Xuân Hãn thì theo Hán văn thuần túy câu này không có nghĩa, nếu dịch đùa (từng chữ) thì nghĩa lóng sẽ là "con ngựa thích đá" hoặc "ngựa con thích đá". Có thể đây là thành ngữ “cân tử mã sáu hộc”, nghĩa là cân non, ý nói tính còn non nớt (theo Huình Tịnh Của - Đại Nam Quấc âm tự vị, Sài Gòn 1898)

    7. Mã Khắc Tư tức Marx

    8. Lý Ninh tức Lenin (Ленін)

    9. Đức Ý Chi tức nước Đức

    10. Anh Cát Lợi tức nước Anh

    11. Nga La Tư tức nước Nga

    12. Phát La Tây có thể là Phần Lan?

    13. Lang Sa (hay Pháp Lang Sa, Phú Lang Sa) là nước Pháp

    14. qui sào giác thế: trở về quê hương để thức tỉnh mọi người

    15. Phù Tang tức nước Nhật

    16. di ngoại đột nội: ra rồi chợt vào

    17. khẩu xướng đối nhân, dụng nội triệt ngoại: nói rõ với người, lấy trong trừ ngoài

    18. khẩu thuyết vô bằng (hay khẩu thiệt vô bằng): lời nói bay đi, không còn bằng cớ

    19. Châu Thơ Đồng, tên thật Châu Thượng Văn (1856-1908), tham gia phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu ở Hội An. Ông bị Pháp bắt trong vụ đấu tranh kháng thuế tại Trung Kỳ, tự nhận chỉ một mình khởi xướng và tuyệt thực chết tại nhà lao Huế. Huỳnh Thúc Kháng ghi lại lời nói khảng khái của ông lúc gặp gỡ lần cuối ở nhà lao Hội An: "Tôi làm cái dễ, còn anh em gắng gánh lấy sự khó".

    Tham khảo:

    * Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb Đông Nam Á, Paris, 1983, và Nxb Văn Nghệ TP.HCM & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, TP.HCM, 2000

    * Phan Châu Trinh – Toàn tập (I, II và III), Nxb Đà Nẵng, 2005

19 May 2008

Giàu nghèo

Chính phủ Đức vừa công bố kết quả tạm thời của báo cáo mới về tình trạng giàu nghèo trong xã hội Đức. Theo đó, hố ngăn cách giàu nghèo ở nước này ngày càng đào sâu. 13% dân số sống nghèo, 13% khác cũng sẽ rơi vào tình trạng này nếu không có trợ cấp của nhà nước. Mặt khác, thu nhập của giới giàu lại tăng lên đáng kể.

Như vậy là cứ 4 người dân Đức là có 1 người nghèo, hay thực tế sẽ nghèo nếu phải tự xoay sở. Con số này thoạt nhìn có vẻ trái ngược với một quốc gia thành viên của G8 - tức là một trong 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới - như Đức. Cho nên có lẽ nên phân biệt rõ ràng thế nào là "nghèo".

Có cái nghèo ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn. Nghèo ở đây là thiếu thốn trầm trọng những phương tiện tối thiểu để sinh tồn mà người ta còn gọi là nghèo tuyệt đối. Nghe có vẻ từ chương, nhưng đằng sau khái niệm này chỉ đơn giản là đói khát vì thiếu ăn thiếu uống, là không đủ áo quần để che thân, là không chỗ trú nắng mưa, là không được điều trị và không có thuốc men khi bệnh tật, là sống lây lất vất vưỡng trong những tình trạng tồi tệ không xứng đáng với con người... Dĩ nhiên người dân Đức - nói chung - không đến nổi lâm vào cái nghèo tuyệt đối này. Cái nghèo người ta khảo sát ở đây là nghèo tương đối. Nếu phải định nghĩa cái nghèo này theo lối sách vở thì cũng lắm cách. Nghèo tương đối trên cơ sở điều kiện sống là khi sự thiếu thốn các phương tiện vật chất, văn hóa và xã hội buộc con người phải sinh hoạt ngoài lề cuộc sống bình thường trong một quốc gia. Một hướng tiếp cận khác là xét cái nghèo tương đối trên cơ sở cơ hội phát triển (capabilities) của con người mà Amartya Sen đề ra. Theo đó thì người ta nghèo khi thiếu đi những cơ hội để tự phát triển một cuộc sống trên căn bản tự do, chẳng hạn như được học hỏi, đào tạo, làm việc, tổ chức cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội, chính trị, hay ngay cả sắp xếp, định đoạt các mối quan hệ hay các thú vui giải trí.

Tuy vậy, để phân định rõ lằn ranh giàu nghèo thì người ta lại dùng khái niệm nghèo tính theo mức thu nhập. Liên minh Âu châu đặt lằn ranh nghèo ở mức 60% của giá trị thu nhập ròng trung vị (median) trong một quốc gia (chính xác thì phải hiểu là ai có thu nhập ròng dưới mức này chỉ có "nguy cơ nghèo", vì thu nhập xét ở đây không bao gồm cả tài sản có thể đã có sẵn). Thật ra nguyên tắc này có nhiều khiếm khuyết vì tương đối hóa cái giàu nghèo còn nhiều hơn các phương thức tiếp cận đã nói ở trên. Giả sử 80% dân số của một quốc gia nào đó lâm vào tình trạng nghèo tuyệt đối (tiếc là những quốc gia như vậy tuy không có ở châu Âu nhưng không hẳn chỉ có trên lý thuyết), thì theo cách tính này vẫn có 50% dân số có mức thu nhập trên mức trung vị, và như vậy còn nhiều hơn nữa không bị kể là nghèo, trong khi họ thực sự vẫn thiếu ăn thiếu mặc theo cách nhìn tuyệt đối. Giá trị thu nhập trung vị của Đức hiện ở mức không quá thấp (khoảng 1.302 €/tháng/người) nên tính chính xác của báo cáo nói ở đầu bài có thể chấp nhận được.

Mà không phải chỉ cái nghèo mới khó định được xác đáng, cả cái giàu có khi cũng chỉ tương đối mà thôi. Như trong câu chuyện kia kể về một cậu bé con nhà trọc phú từ nhỏ chỉ sống trong nhung lụa một hôm được cha dẫn đi "thực tế". Ý người cha là muốn con mình tận mắt thấy được cái nghèo ra sao. Ông ta dẫn con ra vùng sâu vùng xa, sinh hoạt vài ngày cùng một gia đình nông dân nghèo khó. Trên đường về ông hỏi cậu bé: "Con đã hiểu ra cái nghèo chưa?". Em suy nghĩ giây lâu rồi trả lời: "Con thấy mình chỉ có một con chó còn họ có đến bốn con. Nhà mình có một hồ bơi nhỏ còn chỗ họ có cả một con sông rộng ngút ngàn. Vườn nhà mình có vài ngọn đèn thắp sáng trong khi ở đó đêm đến trời vằng vặc ánh sao. Đứng ở cửa nhà mình nhìn ra đến cuối ngõ còn họ thì trông thấy cả chân trời. Mình ở trên một khu đất tương đối rộng nhưng họ được sống với đồng ruộng bao la. Mình phải đi mua lương thực, còn họ được tự trồng lấy mà ăn. Quanh nhà mình có hàng rào bảo vệ trong khi họ có bao nhiêu bà con chòm xóm chở che..."

Người cha nghe con nói mà lặng người. Ông chưa kịp đáp lại thì đã nghe cậu bé tiếp lời: "Cám ơn cha đã cho con thấy chúng ta nghèo thế nào."

14 May 2008

Sách đi vòng thế giới

Thời buổi này sách vở mua về đọc xong chẳng phải để cất lên kệ, đặt vô tủ, giữ làm của, để rồi họa hoằn lắm mới (miễn cưỡng) đem cho ai đó mượn đọc. "Đối xử" với sách như vậy xem chừng không hợp lắm với phong cách sống hiện đại. Hay ít nhất là không tiêu biểu cho thế hệ Web 2.0.

Vậy thì nên làm gì với sách? Nên cho chúng lên đường viễn du! Đó là ý tưởng của bookcrossing.com, nay đã trở thành một phong trào rộng lớn với gần 700.000 người từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Để gửi một quyển sách nào đó lên đường rong ruổi, bạn có thể cố ý ...bỏ quên nó trong quán cà phê chẳng hạn. Hay trên xe buýt, trên ghế đá công viên, trong phòng đợi khám bệnh... nói chung là ở một nơi công cộng nào đó để quyển sách sớm được người khác nhặt lên đọc. Và sau đó lại được "gửi" đi tiếp, như ghi chú ngay bìa trong quyển sách đã yêu cầu: "Khi nào đọc xong, bạn vui lòng chuyển quyển sách này cho một người khác mà bạn nghĩ có thể cũng thích đọc."
Mỗi quyển sách trên đường du hành đều mang một số hiệu đơn nhất (BCID) cấp bởi bookcrossing.com. Cơ sở dữ liệu trên trang web này cho phép ghi lại đầy đủ nhận định của những người đọc về nội dung cùng với địa điểm, thời gian và tình tiết dọc đường gió bụi của quyển sách. Tất nhiên là không phải người nào nhận được quyển sách đều là thành viên của bookcrossing.com, nhưng không ít người đã nhân dịp này gia nhập, hay ít nhất là vào trang web của hội để cập nhật hành trình của quyển sách.


Ron Hornbaker nảy ra và thực hiện ý tưởng cho sách du hành vào 2001. Từ đó, câu lạc bộ sách lưu động miễn phí này ngày càng đông đảo thành viên (hiện trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 300 người từ cả 5 châu gia nhập). Trên bước đường lưu lạc, sách đã đẩy con người xích lại gần nhau với vô số những cuộc hội thảo, họp mặt, gặp gỡ diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và nghe đâu cũng đã kết nối không ít mối tơ duyên.

12 May 2008

Hoa lễ mẹ

Lễ mẹ là một ngày lễ tượng trưng, tùy theo quốc gia mà được quy về nhiều nguồn gốc khác nhau, và được định vào những hạn kỳ khác nhau. Có nơi rất sớm như Na Uy (chủ nhật thứ nhì của tháng hai) hay Anh (chủ nhật thứ tư trong thời gian chay tịnh trước lễ Phục Sinh, thường rơi vào tháng ba), có nơi rất trễ như Á Căn Đình (Ác-hen-ti-na, chủ nhật thứ nhì của tháng mười) hay Nga (chủ nhật cuối của tháng mười một). Người Việt thì đa số dành lễ Vu Lan vào rằm tháng bảy âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến mẹ. Cho nên nói chung thì đây là một ngày lễ cực kỳ di động, tùy nơi, tùy năm và cũng tùy theo ...lịch in ấn thế nào! Vì sao? Vì ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày lễ mẹ là một ngày lễ không chính thức, chỉ được qui ước theo truyền thống, và nếu không trùng với chủ nhật hay một ngày lễ chính thức khác (chẳng hạn ở Costa Rica, nhằm lễ Đức mẹ thăng thiên) thì vẫn là một ngày làm việc bình thường. Qui ước ngày lễ mẹ phổ biến nhất - vì được gần ba mươi quốc gia chọn, trong đó có Nhật, Úc, Mỹ, Trung quốc, bên cạnh nhiều nước ở Âu châu - là ngày chủ nhật thứ nhì của tháng năm.

Lễ mẹ thì thông thường người ta tặng quà cho các bà mẹ. Hay ít nhất là ở thời buổi mà mọi thứ đều được thương mại hóa như ngày nay. Và tặng gì? Đủ cả, khắp nơi người ta ráo riết quảng cáo các mặt hàng khả dĩ có thể làm quà cho các bà mẹ. Từ sách báo, bánh kẹo cho đến trang sức, mỹ phẩm. Và nhất là hoa. Hoa là món quà vừa tự nhiên, vừa đẹp. Đẹp hương, đẹp dáng, đẹp trong sự thanh tao, đẹp với vẻ mỏng mảnh. Không chỉ ngày nay, tặng hoa từ ngàn xưa đã trở thành một giá trị bất di bất dịch của văn minh loài người. Cho nên đối với các cửa hàng bán hoa, ngày lễ mẹ là một trong những ngày làm ăn lớn không thể bỏ qua. Riêng ở Đức, thống kê cho biết doanh thu về hoa chỉ trong ngày lễ mẹ lên đến khoảng 130 triệu Euro (hơn xa ngày lễ Valentine), với khuynh hướng ngày càng tăng. Cho nên hoa tặng từ lâu đã trở thành một công nghiệp lớn với qui trình sản xuất và phân phối qui mô. Trong thời đại toàn cầu hóa này, hoa tặng cho thị trường Âu châu được gây và chọn giống ở Hòa Lan, trồng và gặt hái ở Kenia, Uganda, Tansania, Ethiopia (Phi Châu), ở Ecuador, Colombia (Nam Mỹ), ở Ấn độ và Trung quốc (Á châu), ướp lạnh và chở về phân phối cho các dây chuyền cung cấp lớn tại Âu châu. Và cũng như trong các ngành công nghiệp khác, không khỏi có nhiều vấn đề tồn tại (có thực hay được thổi phồng có dự tính) như bóc lột công nhân, lao động trẻ em, sử dụng hóa chất độc hại để trừ sâu diệt trùng. Cũng theo thống kê, lương tháng bình quân của một bà mẹ làm việc quần quật trên những trang trại trồng hoa Phi châu chưa đủ để mua được cho mình một chục đóa hoa hồng loại đẹp với giá thành ở các cửa hàng hoa Âu châu. (Nhưng không có được việc làm này, họ cũng sẽ không có được nguồn thu nhập mà ở xứ họ thường khi nuôi được cả một gia đình.)

Doanh thu và lợi nhuận lớn như vậy nên năm nay ở Đức người ta tranh cãi, thậm chí kiện tụng nhau ầm ỹ về ngày lễ mẹ. Chỉ vì chủ nhật thứ nhì của tháng năm 2008 lại trùng với ngày lễ Thất tuần (hay còn gọi là ngày thánh thần hiện xuống) của đạo Thiên chúa. Vì đây là một trong những lễ truyền thống lớn của xã hội Đức, luật lệ hiện hành nghiêm cấm mọi hoạt động thương mãi trong ngày này, không khoan nhượng như những ngày chủ nhật bình thường, và như vậy tất nhiên các cửa hàng hoa thảy đều phải đóng cửa. Đòi hỏi và kiện cáo không thành công, các hiệp hội buôn bán hoa đưa ra đề nghị dời ngày lễ mẹ lại trước một tuần. Nhưng tuy ở Đức không có một cơ quan nào chính thức qui định hạn kỳ ngày lễ mẹ, họ vẫn chịu bó tay, không thực hiện được việc dời đổi này. Đơn giản chỉ vì lịch sách đã in và lưu hành rộng rãi, báo chí và truyền thông cũng phổ biến ngày tháng từ lâu, không còn rút lại được nữa. (Mãi đến năm 2035 mới lại trùng ngày như vậy lần nữa, tháng rộng ngày dài, tìm ra giải pháp êm đẹp cho mọi đàng khi đó chắc sẽ không khó mấy.)

Cho dù vậy, hy vọng các bà mẹ Đức (và các nơi khác) vẫn được ưu ái thật nhiều trong ngày lễ mẹ này, bằng cách này hay cách khác, với hoa tặng hay với tấm lòng... Và không chỉ vào ngày này mà thôi.

02 May 2008

Rước đuốc Thế vận

Nghi thức rước đuốc Thế vận hội thật ra chẳng có gì là thiêng liêng, và chắc chắn là không bắt nguồn từ những cuộc tranh tài Thế vận thời cổ đại ở Hy Lạp như nhiều người vẫn nghĩ. Ngay cả ngọn lửa "thiêng" Thế vận hội cũng chỉ được đốt lên lần đầu vào năm 1928 ở Amsterdam, Hòa Lan. Khi bắt đầu chuẩn bị tổ chức Thế vận hội 1936 tại Berlin, Đức, một viên chức cao cấp của Ủy ban Thế vận quốc gia Đức là Carl Diem đã đề ra ý kiến đốt lên ngọn lửa tại khu di tích Olympia ở Hy Lạp và tổ chức chạy tiếp sức đưa ngọn lửa bằng đuốc về địa điểm tranh tài ở Berlin. Nghi thức này được Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Joseph Goebbels hết sức tán thành và khai thác thành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để tuyên dương sự hùng mạnh của dòng giống Arier và thể chế Đức quốc xã. (Đức quốc xã vốn coi chủng tộc Arier thực ra chỉ có trong huyền thoại này là siêu đẳng, có đặc quyền thống trị mà họ và các chủng tộc gốc Đức ở Trung và Bắc Âu là những hậu duệ chính thống).
Công cuộc rước đuốc Thế vận này được tổ chức thật sự chu đáo, với những biện pháp tuyên truyền nay đã trở thành kinh điển: ngọn lửa được đốt lên ở Olympia và các địa phương đi ngang vào "giờ linh" giữa Ngọ, kèm theo lễ nghi trọng thể với diễn văn của chức sắc sở tại và hội chợ ăn mừng cho dân chúng địa phương, khắp nơi rền vang tiếng trống nhạc và những hồi chuông đổ dồn, khung cảnh rực rỡ với cả rừng cờ chữ vạn của Đức quốc xã, các đài truyền thanh tập trung phát đi từng giờ diễn biến của cuộc rước đuốc kéo dài 3.075 cây số, xuyên qua 7 quốc gia, với các lực sĩ cầm đuốc thảy đều tóc vàng, mắt xanh, biểu tượng tinh anh của nòi Arier (!).



Cảnh đuốc về đến Berlin trong phim "Olympia" (1938)
của Leni Riefenstahl, nay đã trở thành kinh điển của
điện ảnh tuyên truyền


Khí thế uy vũ đến nổi, khi đuốc Thế vận về đến thành Wien, Áo quốc, phe Quốc xã Áo đã rầm rộ biểu tình đòi tự nguyện sát nhập Áo quốc vào Đế chế đệ tam của Đức (điều mà không lâu sau đó đã trở thành hiện thực, với những lý lẽ không cưỡng lại được là gót giày nhà binh của quân đội Đức). Dù dọc theo lộ trình ở một vài nước đã có ít nhiều phản đối chế độ phát xít Đức, nói chung cuộc rước đuốc vẫn đạt kết quả ngoài sự mong đợi của bộ máy tuyên truyền Đức quốc xã. Chỉ có một ngoại lệ đáng kể là dân chúng Tiệp khắc đã ào ạt xuống đường phản đối, thậm chí đã dập tắt ngọn lửa khi về đến Praha. Lý do là trên bản đồ lộ trình rước đuốc, các vùng đất của Tiệp đang trong vòng tranh chấp với Đức vì có nhiều dân gốc Đức cư ngụ (Sudetenland) đã bị vẽ nhập vào lãnh thổ Đức (việc mà chỉ 2 năm sau sẽ diễn ra cả trên thực tế).



Lễ khai mạc Thế vận hội Berlin 1936 với nhiều đoàn
lực sĩ còn rất vô tư trong tư thế chào Heil Hitler


Lịch sử đôi khi có những sự lập lại bất ngờ. Lộ trình rước đuốc của nước tổ chức năm 2008 cũng tự ý vẽ một khu vực tranh chấp về hẳn phần họ (tuy rằng hầu như không có sự phản đối nào được ghi nhận). Năm 1936, việc tham gia hay tẩy chay Thế vận hội Berlin cũng đã là đề tài tranh luận sôi nổi khắp nơi, vì tận những ngày đó thế giới đã ngờ ngợ thấy được chính sách phân biệt và đàn áp chủng tộc của chế độ phát xít này sẽ dẫn về đâu.

Chuyện một người lính

Trong thế chiến thứ hai, Hòa Lan - mặc dù tuyên bố trung lập - vẫn bị Đức chiếm đóng hoàn toàn. Trị trấn Goirle cũng vậy, thời đó nằm trọn trong tay quân đội Đức và rất căm ghét bọn giặc thù xâm lược này. Một ngày thứ sáu của tháng 10 năm 1944, anh lính Đức trẻ tuổi Karl-Heinz Rosch, năm đó vừa 18, chập chững bước vào trận tuyến khốc liệt tại đây. Giữa buổi trưa đầu thu, bãi chiến trường đang ngập ngụa khói súng của phe Đồng minh đang từng bước tiến dần tới, Rosch bỗng trông thấy hai đứa bé đang chơi đùa thản nhiên như bỏ ngoài tai tiếng bom đạn vang rền kề bên. Không chút nghĩ ngợi, anh ta vội vàng chạy đến, thả súng xuống và xốc hai đứa nhỏ chạy về ngôi nhà gần đó giao cho bà mẹ chúng. Khi chạy ra trở lại lượm súng, anh ngã gục vì một trái lựu đạn bay tới nổ dưới chân, ngay chỗ hai đứa bé khi nãy còn ngồi chơi.

Câu chuyện chắc sẽ nằm yên trong ký ức, nếu như không có một số người dân Goirle sau 64 năm vẫn không quên người lính trẻ tuổi của đoàn quân xâm lược và muốn dựng một bức tượng tưởng nhớ Rosch. Mẫu mã đã xong, giờ họ đang quyên góp để đúc tượng (chuyện nhỏ) và xin phép địa phương được đặt tượng ở một nơi công cộng trong thị trấn (chuyện lại không nhỏ chút nào). Khó ở đâu? Ở Hòa Lan không thiếu nơi tưởng niệm chiến sĩ các bên tử trận, kể cả quân Đức. Nhưng khác với những bảng đồng, bia đá hay các kiến trúc trừu tượng khác, bức tượng này tạc lại hình ảnh một người lính trẻ trong bộ quân phục Đức quốc xã với chiếc nón sắt đặc trưng, cho dù hai tay anh ta không cầm súng mà là đang cắp nách hai em nhỏ. Thế là cả xứ Hòa Lan tí tẹo lại chìm ngập trong những cuộc khẩu chiến, bút chiến. Rằng cha, anh, đồng hương của Rosch không qua xâm lăng nước này thì đã cần ai phải cứu hai đứa nhỏ. Rằng chính hình ảnh người lính Đức xâm lăng như vậy mới nói lên được cái dũng, cái nhân vẫn tồn tại đâu đó trong con người, cho dù dòng máu nào, sắc áo nào đi nữa. Rằng thật ra Rosch được tưởng nhớ vì đã ngã gục khi cúi xuống lượm súng, mà anh ta cũng chỉ là một người lính đang tham gia trực diện cuộc chiến thì sao lại được "ưu đãi" hơn bao nhiêu người khác của cả hai bên? Rằng để xóa đi sự thù hận vẫn còn lẩn quất, phải cho thế hệ hôm nay hiểu được chẳng phải chỉ có những tên lính Đức khát máu, mà cũng có những thanh niên xứ láng giềng như Rosch, tuy bị đẩy đưa cầm súng xâm lược nhưng vẫn không quản tính mạng để cứu trẻ em vô tội...


Tranh luận còn sôi nổi thì đã nghe tin các nhóm Tân Quốc xã (dĩ nhiên là của Đức) lại nhân dịp này vận động rình rang, bảo khi nào tượng dựng xong sẽ rầm rộ kéo sang "hành hương", viếng "chiến hữu anh hùng" của họ...

Thế giới này là như vậy thôi, ngặt là chẳng còn thế giới nào khác để mà chọn lựa.