13 April 2008

Ảnh khỏa thân và từ thiện

Cách đây vài ngày người ta tổ chức đấu giá một bộ sưu tập ảnh nghệ thuật ở Christie's, New York. Trong số 135 bức ảnh do nhà sưu tầm Gert Elfering từ München cung cấp, có một bức ảnh khỏa thân nghệ thuật của Carla Bruni-Sarkozy, phu nhân của Tổng thống Pháp đương thời. Bức ảnh này do nhà nhiếp ảnh Michel Comte chụp năm 1993, trong thời gian Carla Bruni đang là một người mẫu sáng giá. Trái với phỏng định ban đầu là bức ảnh sẽ đổi chủ ở mức giá 3.000-4.000 dollar Mỹ, giá trả cao nhất lên đến những 91.000 USD.



Ảnh: Michel Comte / Christie's Images Ltd. 2008

Thoạt đầu, nhà sưu tầm Gert Elfering muốn tặng số tiền thu được với bức ảnh này cho Bệnh viện trẻ em Kantha Bopha ở Kampuchia, song Beat Richner, người xây dựng và điều hành hệ thống các bệnh viện này ở Nam Vang và Siem Reap, đã lên tiếng từ chối với lý do là không muốn "tầm thường hóa" ý nghĩa của hội từ thiện Kantha Bopha mà ông ta sáng lập. Richner nói thêm là món tiền "từ một bức ảnh như vậy" có thể sẽ làm cho những người ủng hộ hội của ông ta "lấy làm kỳ".

Kỳ hay không thì số tiền lớn này nay sẽ được dự án nghiên cứu lọc nước SODIS (Solar Water Disinfection) của viện Eawag, Đại học ETH Zürich Thụy Sĩ, hoan hỷ đón nhận và sẽ dùng để mang lại nguồn nước sạch, nâng cao sức khỏe và bảo vệ mạng sống cho hàng ngàn trẻ em ở các nước nghèo.

Được biết, chính Michel Comte, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng và tác giả của bức ảnh trên, đã ủng hộ cho chiến dịch tạo nguồn nước sạch cho trẻ em các nước nghèo từ nhiều năm nay. Ông ta đưa ra so sánh: "mỗi ngày, số trẻ em trên thế giới tử vong do thiếu nước sạch bằng với số lượng hành khách thiệt mạng khi 30 phi cơ phản lực hạng lớn rơi".

Trước một thực trạng như vậy, liệu những cái kỳ hay tầm thường có còn ý nghĩa gì nữa hay không?

11 April 2008

John Law, người tạo dựng "triệu phú"

Mới đây - nhân thị trường tài chính thế giới có vẻ bắt đầu khủng hoảng nghiêm trọng - người ta lại nhắc đến John Law, người đã đem đến cho rất nhiều người dân thường của xã hội Pháp vào đầu thế kỷ 18 một gia tài kếch sù chỉ sau một khoản thời gian cực ngắn, và không lâu sau đó cũng làm cho không ít người khác phải tán gia bại sản.

John Law là một nhân vật để lại nhiều hình ảnh khá tương phản: kẻ hoang đàng, chuyên gia tài chính, tay cờ bạc, nhà kinh doanh ngân hàng, tên giết người, cố vấn hoàng gia, tứ cố vô thân, ... Sinh trưởng tại Edinburgh, Tô Cách Lan, trong một gia đình giàu có, John Law sớm có cơ hội tiếp xúc và học hỏi về ngành tài chính. Khăn gói lên London để tiếp tục việc học, ông lại sa vào thế giới ăn chơi và cờ bạc của tầng lớp thượng lưu ở đó. Cờ bạc cho John có lúc thừa thải xa hoa, nhưng cũng không khỏi đưa đến nợ nần chồng chất, tuy ông ta nhờ biệt tài tính toán mà thường thu về phần thắng. Năm 1694, sau khi bị xử án nặng do giết chết đối thủ trong một cuộc tỉ thí, John vượt ngục và trốn sang Âu châu lục địa.

Thời gian đầu ở Amsterdam ông có cơ hội học hỏi tiếp về tài chính và đã đề ra những chính sách kinh tế mới lạ cho thời bấy giờ. John Law cho rằng kinh tế sẽ phát triển được mạnh mẽ nếu lưu lượng tiền tệ có điều kiện luân chuyển nhanh và nhiều. Và ông tin rằng tiền giấy là phương tiện rất thuận lợi cho việc này. Thời đó, tiền giấy không phải là điều mới lạ nữa, nhưng hầu như chỉ hạn chế trong vai trò tín dụng chứ không được dùng rộng rãi trong thương mãi và đời sống. Một ngoại lệ rất sớm là tiền giấy “Thông bảo hội sao” của Hồ Quý Ly (khi đó chưa cướp ngôi nhà Trần) phát hành năm 1396. Sử ghi rằng Hồ Quý Ly muốn thu hồi kim loại để đúc vũ khí nên cho áp dụng chính sách sử dụng tiền giấy thật triệt để. Nhưng cũng chính vì phương cách thi hành đột ngột và độc đoán này (phạt nặng ai còn xài tiền kim loại) mà người dân Việt thời bấy giờ sau nhiều năm vẫn không có lòng tin vào tiền giấy và cơ chế điều hành tiền tệ, trở lại trao đổi thẳng bằng sản phẩm hay hiện vật.

John Law lưu lạc sang Pháp quốc giữa lúc vương quốc này vào cuối đời vị vua Mặt trời (Louis XIV) đang khánh kiệt về tài chính do phải trang trải phí tổn khổng lồ của các cuộc chiến tranh vừa chấm dứt. Năm 1717, hoàng thân nhiếp chính Philippe ďOrleans tán thành ý tưởng của John Law và cho phép ông thực hiện đề án của mình: phát hành tiền giấy qua một ngân hàng trung ương để phát triển kinh tế, cùng lúc cho phép kinh doanh khai thác lợi nhuận từ thuộc địa Mỹ châu để trang trải ngân sách quốc gia. Tiền "livres tournois" ra đời ("livre" thật ra là một đơn vị tài khoản đã có từ thời Trung cổ, 10 "livres tournois" mới phát hành = 1 đồng Louis vàng = 2 đồng écu bạc).



Giấy bạc 100 livres tournois, đợt phát hành 1720


Cùng với Banque Générale, sau đó đổi tên thành Banque Royale khi trữ kim được cất giữ ở đây, John Law mở Compagnie de la Louisiane ou ďOccident với độc quyền khai thác lợi nhuận từ khu vực Bắc Mỹ thuộc Pháp trong vòng 25 năm.

Quarter dollar kỷ niệm Hoa Kỳ thương lượng mua lại
vùng Louisana thuộc Pháp 1803 (ảnh: US Mint)
Khu thuộc địa này trải rộng trên một diện tích gần 1/3 nước Mỹ ngày nay, kéo dài từ Mexico lên đến Canada, bao trọn các vùng đất con sông Mississippi và các phụ lưu chảy qua, nên thời đó người ta thường gọi tắt là công ty Mississippi. Chính ra kế hoạch khai thác Mississippi này rất có khả năng thành công như dự tính, tuy vùng này ngày đó không được trù phú và lắm tài nguyên như công ty đã khéo léo vẽ ra viễn ảnh rực rỡ. Và vì John Law bán cổ phiếu công ty với điều kiện khá dễ dãi là chỉ đóng tiền đầu bằng 1/10 mệnh giá nên dân chúng Pháp lúc ấy - kể cả giới hạ lưu với chút tiền dành giụm - cũng đổ xô vào mua cổ phần. Thế là quả bóng "công ty Mississippi" phồng lên nhanh chóng. Mệnh giá ban đầu của một cổ phiếu là 150 livres tournois, chỉ sau vài tháng đã tăng lên gần 10.000 livres. Đầu năm 1720, khi công ty qui định tiền lời là 40% và cùng lúc lại có lời đồn đại là vừa tìm được trữ lượng quý kim rất lớn ở Mississippi, giá cổ phiếu nhảy vọt lên đến 18.000 livres!

Thời gian này, có rất nhiều người chỉ từ một khoản tiền nhỏ mà một sớm một chiều đã tạo được gia sản khổng lồ. Một giai thoại khá phổ biến kể lại một nữ bá tước kia ở Paris một hôm đến công ty Mississippi để thăm dò tình hình cổ phần của mình thì bỗng nhận ra bà bếp của mình ăn vận rất sang trọng cũng đang đứng đó thương lượng cổ phần hàng triệu livres. Sau phút đầu ngỡ ngàng, bà bá tước bĩu môi bảo "Millionnaire!" và khinh bỉ quay đi. Từ đó, danh từ "triệu phú" (với ý nghĩa ban đầu mang tính cách miệt thị) nảy sinh.



Người đầu tư tụ họp trước cửa công ty Mississippi ở đường Quincampoix


Do nhu cầu đầu tư quá lớn từ dân chúng Pháp và các quốc gia lân cận, John Law cho phép phát hành livres tournois quá đà và không lâu gây ra lạm phát nặng nề. Giá sinh hoạt và nhất là đất đai tăng cao, một phần do nhu cầu vật chất nảy sinh từ số người khá lớn bỗng dưng giàu có. Khi giá cổ phiếu lên đến đỉnh cao 18.000 livres cũng là lúc một số người bắt đầu bán ra một số lượng lớn cổ phiếu để thu lợi. Hiệu ứng bầy đàn đã dẫn theo ngày càng nhiều người hơn muốn bán. Thế là quả bóng đang phồng to phải vỡ tung. Mùa hè 1721, giá trị cổ phiếu công ty Mississippi đã tuột xuống thấp hơn mệnh giá ban đầu. Cộng vào đó, dân chúng cùng lúc cũng mất lòng tin ở tiền livre tournois và trở về với kim ngân. Ngân hàng hoàng gia sụp đổ, nước Pháp bước vào một thời kỳ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Phải đến 70 năm sau, trong thời Cách mạng Pháp, người ta mới ban hành tiền giấy trở lại.

John Law một lần nữa lại phải bỏ xứ ra đi. Năm 1729, ông chết trong nghèo khổ và bệnh tật ở Venezia, Ý.

06 April 2008

Samurai và kiếm

Viện bảo tàng lịch sử Speyer của vùng Pfalz, Đức quốc, đang có chương trình triển lãm về văn hóa Samurai của Nhật Bản. Giới samurai này ngày nay được hiểu rộng rãi là tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, phục vụ về quân sự cho các triều đình Thiên hoàng, hay các mạc phủ (shogun) và lãnh chúa địa phương. Lịch sử samurai bắt nguồn trong thời Heian (794-1185), kéo dài cho đến thời phục hưng đế chế Meiji (1868-1912), khi Thiên hoàng Mutsuhito phế bỏ tất cả các đặc quyền của tầng lớp này để xây dựng một quân đội theo mô hình hiện đại, mặc dù chính các samurai đã có công giúp ông thu hồi quyền hành về một mối. Cả đặc quyền được đeo song kiếm (trường kiếm katana và đoản kiếm wakizashi) - vốn là biểu tượng lâu đời và cao quý dành riêng cho samurai - cũng bị phế bỏ vào năm 1876. Về sau chỉ có sĩ quan của quân đội Thiên hoàng là còn được phép đeo đơn kiếm katana.



Samurai không còn nữa, nhưng cho đến ngày nay kiếm Nhật vẫn giữ vai trò biểu tượng cao quý. Các thanh kiếm Nhật cổ xưa được coi như những linh vật vô giá. Kiếm Nhật thường được tiếng là rắn chắc và cùng lúc lại sắc bén dị thường. Từ xưa người ta đã sùng bái kỹ thuật rèn kiếm cổ xưa của Nhật, coi đó là những tuyệt kỹ về luyện kim, và được trân trọng như bí kiếp gia bảo. Để tạo thành một thanh kiếm hoàn hảo, trong dẻo, ngoài rắn, các thợ rèn kiếm nổi danh phải nhẫn nại dập mỏng thép, gấp lại và cứ vậy mà rèn hàng chục lần. Kỹ thuật tôi thép cũng đòi hỏi công sức không kém, người ta đắp đất bùn bên ngoài, bên sóng nhiều hơn bên lưỡi để tạo độ rắn khác nhau và để sau khi nung đỏ và nhúng vào nước làm nguội, thanh kiếm sẽ cong đi tạo dáng đặc trưng kiếm Nhật. Những huyền thoại về kiếm Nhật sống lâu hơn samurai rất nhiều, một phần do tương tác từ thị trường đồ cổ Nhật, nhưng phần lớn chắc là từ phim ảnh Hollywood và nhất là nhờ sự lan truyền theo Internet. Một thanh katana đích thực chém đầu kẻ thù như chém cỏ thì dĩ nhiên không có gì đáng nói. Chém đổ hàng loạt cây rừng giữa lúc tập luyện hay chém đứt dây thép gai trong thế chiến thứ hai ngọt lịm như cắt chỉ thì chắc có hơi cường điệu đôi chút.

Cũng lạ, vũ khí mà con người - cả Đông lẫn Tây, và nhất là đàn ông - xưa nay vẫn chuộng nhất là thanh kiếm. Nhà phân tâm học Freud thì tất nhiên sẽ nghĩ ngay đến thuyết của ông ta. Mà thực ra, khác với các vũ khí khác như cung tên, giáo mác, có thể còn được dùng trong săn bắn chẳng hạn, kiếm là thứ chỉ dùng để gây thương tích hay lấy mạng người khác thôi (trừ một vài trường hợp khá cá biệt như đâm chết rồng hay tấn phong hiệp sĩ chẳng hạn). Các thanh kiếm tên tuổi cũng đầy rẫy trong văn hóa và lịch sử loài người: hiệp sĩ Siegfried trong truyền thuyết Nibelungen của Đức có thanh kiếm Balmung, rèn lại từ thanh Notung, được trao cho bởi chính thần Wotan; ông vua huyền thoại Arthur nhận Excalibur từ tay nữ thần hồ thiêng; vua Lê Lợi cũng được rùa thần dâng bảo kiếm để đuổi ngoại xâm; anh hùng Tây Ban Nha El Cid Campeador vung thanh Tizona giải phóng thành Valencia, hiện còn được trưng ở Madrid; thanh Curtana, tương truyền của hiệp sĩ bàn tròn Tristan, ngày nay là quốc bảo của Hoàng gia Anh... Với những thanh kiếm huyền ảo này thì dĩ nhiên kiếm Nhật không sao bì được vì tục truyền chúng chém đá trơn tru, cắt cụt hàng ngàn đao kiếm khác như cắt giấy. Mà nói về độ rắn và độ sắc thì kiếm Nhật - dù các chuyên gia đồ cổ Nhật có làm marketing khéo mấy đi nữa - cũng không sao bằng được loại kiếm làm bằng thép Damascus (thủ đô Syria ngày nay) nổi danh của người Ả Rập mà tận thời thập tự chinh đã làm cho bao hiệp sĩ Âu châu kinh ngạc và cho đến bây giờ vẫn còn được nghiên cứu say mê. Nghe nói những thanh kiếm Damascus này bén đến nỗi, một chiếc khăn lụa thả xuống lưỡi kiếm cũng bị rách đôi...