Viện bảo tàng lịch sử Speyer
của vùng Pfalz, Đức quốc, đang có chương trình triển lãm về văn hóa Samurai của Nhật Bản. Giới samurai này ngày nay được hiểu rộng rãi là tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, phục vụ về quân sự cho các triều đình Thiên hoàng, hay các mạc phủ (shogun) và lãnh chúa địa phương. Lịch sử samurai bắt nguồn trong thời Heian (794-1185), kéo dài cho đến thời phục hưng đế chế Meiji (1868-1912), khi Thiên hoàng Mutsuhito phế bỏ tất cả các đặc quyền của tầng lớp này để xây dựng một quân đội theo mô hình hiện đại, mặc dù chính các samurai đã có công giúp ông thu hồi quyền hành về một mối. Cả đặc quyền được đeo song kiếm (trường kiếm katana và đoản kiếm wakizashi) - vốn là biểu tượng lâu đời và cao quý dành riêng cho samurai - cũng bị phế bỏ vào năm 1876. Về sau chỉ có sĩ quan của quân đội Thiên hoàng là còn được phép đeo đơn kiếm katana.Samurai không còn nữa, nhưng cho đến ngày nay kiếm Nhật vẫn giữ vai trò biểu tượng cao quý. Các thanh kiếm Nhật cổ xưa được coi như những linh vật vô giá. Kiếm Nhật thường được tiếng là rắn chắc và cùng lúc lại sắc bén dị thường. Từ xưa người ta đã sùng bái kỹ thuật rèn kiếm cổ xưa của Nhật, coi đó là những tuyệt kỹ về luyện kim, và được trân trọng như bí kiếp gia bảo. Để tạo thành một thanh kiếm hoàn hảo, trong dẻo, ngoài rắn, các thợ rèn kiếm nổi danh phải nhẫn nại dập mỏng thép, gấp lại và cứ vậy mà rèn hàng chục lần. Kỹ thuật tôi thép cũng đòi hỏi công sức không kém, người ta đắp đất bùn bên ngoài, bên sóng nhiều hơn bên lưỡi để tạo độ rắn khác nhau và để sau khi nung đỏ và nhúng vào nước làm nguội, thanh kiếm sẽ cong đi tạo dáng đặc trưng kiếm Nhật. Những huyền thoại về kiếm Nhật sống lâu hơn samurai rất nhiều, một phần do tương tác từ thị trường đồ cổ Nhật, nhưng phần lớn chắc là từ phim ảnh Hollywood và nhất là nhờ sự lan truyền theo Internet. Một thanh katana đích thực chém đầu kẻ thù như chém cỏ thì dĩ nhiên không có gì đáng nói. Chém đổ hàng loạt cây rừng giữa lúc tập luyện hay chém đứt dây thép gai trong thế chiến thứ hai ngọt lịm như cắt chỉ thì chắc có hơi cường điệu đôi chút.
Cũng lạ, vũ khí mà con người - cả Đông lẫn Tây, và nhất là đàn ông - xưa nay vẫn chuộng nhất là thanh kiếm. Nhà phân tâm học Freud thì tất nhiên sẽ nghĩ ngay đến thuyết của ông ta. Mà thực ra, khác với các vũ khí khác như cung tên, giáo mác, có thể còn được dùng trong săn bắn chẳng hạn, kiếm là thứ chỉ dùng để gây thương tích hay lấy mạng người khác thôi (trừ một vài trường hợp khá cá biệt như đâm chết rồng hay tấn phong hiệp sĩ chẳng hạn). Các thanh kiếm tên tuổi cũng đầy rẫy trong văn hóa và lịch sử loài người: hiệp sĩ Siegfried trong truyền thuyết Nibelungen của Đức có thanh kiếm Balmung, rèn lại từ thanh Notung, được trao cho bởi chính thần Wotan; ông vua huyền thoại Arthur nhận Excalibur từ tay nữ thần hồ thiêng; vua Lê Lợi cũng được rùa thần dâng bảo kiếm để đuổi ngoại xâm; anh hùng Tây Ban Nha El Cid Campeador vung thanh Tizona giải phóng thành Valencia, hiện còn được trưng ở Madrid; thanh Curtana, tương truyền của hiệp sĩ bàn tròn Tristan, ngày nay là quốc bảo của Hoàng gia Anh... Với những thanh kiếm huyền ảo này thì dĩ nhiên kiếm Nhật không sao bì được vì tục truyền chúng chém đá trơn tru, cắt cụt hàng ngàn đao kiếm khác như cắt giấy. Mà nói về độ rắn và độ sắc thì kiếm Nhật - dù các chuyên gia đồ cổ Nhật có làm marketing khéo mấy đi nữa - cũng không sao bằng được loại kiếm làm bằng thép Damascus (thủ đô Syria ngày nay) nổi danh của người Ả Rập mà tận thời thập tự chinh đã làm cho bao hiệp sĩ Âu châu kinh ngạc và cho đến bây giờ vẫn còn được nghiên cứu say mê. Nghe nói những thanh kiếm Damascus này bén đến nỗi, một chiếc khăn lụa thả xuống lưỡi kiếm cũng bị rách đôi...
No comments:
Post a Comment