25 March 2008

Nhà văn viễn tưởng Arthur C. Clarke

Không hiểu do đâu mà ở Đức, xứ sở của triết gia và thi nhân như người Đức thường tự nhận, các tác phẩm khoa học viễn tưởng xưa nay vẫn không có được chỗ đứng như ở các nước Anh, Mỹ. Cả những tác giả danh tiếng nhất cũng chỉ được các nhà xuất bản hạng ba, hạng tư chiếu cố. Và hầu như dòng văn học này không bao giờ được lưu tâm phê bình trên báo chí. Phần người đọc cũng không khác mấy, ai muốn được cho là "trí thức" thì chớ bao giờ dại dột tiết lộ là mình cũng đọc những loại sách này. (Điều này có phần giống như hội chứng "dốt toán" khá phổ biến trong giới gọi là có tên tuổi trong xã hội: tự nhận mình là dốt toán - tốt nhất là từ tận những ngày còn học mẫu giáo - mới có cơ được mọi người thêm phần quý trọng!)

Vậy mà những ngày này lại có một ngoại lệ xảy ra. Các báo Đức lớn nhỏ, trên ấn phẩm hay trên mạng, đều đồng loạt có bài tưởng niệm Arthur C. Clarke, một trong những nhà văn khoa học viễn tưởng cột trụ của thế giới, vừa qua đời ở tuổi 90.


Không thể nào nói khác đi là cả cuộc đời mình Sir Arthur C. Clarke (ông được Nữ hoàng Anh phong Hiệp sĩ năm 1998) đã miệt mài phóng tầm mắt ra không gian. Trong thế chiến thứ hai ông phục vụ trong Không quân hoàng gia Anh, là chuyên viên radar và đã góp phần phát triển hệ thống hướng dẫn không lưu GCA (mà sau này lần đầu được ứng dụng để điều hành thành công cầu không vận cho Berlin khi Đông Đức cô lập thành phố này 1948-49). Năm 1945 ông đưa ra đề nghị phóng vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh (geostationary - có vị trí cố định tương đối với một điểm trên trái đất) để kết nối thông tin (Extra-Terrestrial Relays - Can Rocket Stations Give Worldwide Radio Coverage?, Wireless World, 1945):


Bài viết về vệ tinh của Clarke (1945) nay được lưu giữ tại Smithsonian National Air and Space Museum, Washington DC (bấm lên để mở lớn)


Hai mươi năm sau, khi vệ tinh địa tĩnh Intelsat I (Early Bird) được phóng lên với chức năng kết nối thông tin xuyên Đại Tây Dương, ý tưởng một thời bị coi là huyễn hoặc của Clarke đã trở thành hiện thực. Quỹ đạo địa tĩnh sau này được mang tên ông (Clarke Belt).

Cũng từ sau chiến tranh Clarke bắt đầu viết truyện khoa học viễn tưởng, ban đầu là các truyện ngắn đăng báo. Sau khi tốt nghiệp Toán và Vật lý ở King's College, London, ông làm việc cho Hội IEE (Institution of Electrical Engineers, nay là Institution of Engineering and Technology). Chính tại đây ông bắt đầu viết nhiều hơn, và trễ nhất là với tác phẩm Childhooďs End, Clarke bắt đầu trở thành một tác giả khoa học viễn tưởng danh tiếng. Nhưng có lẽ đại đa số quần chúng được biết đến tên tuổi ông qua bộ phim "2001: A Space Odyssey" (1968) mà ông đồng thực hiện với đạo diễn Stanley Kubrick. Trong phim này, ông đã vẽ ra viễn ảnh các trạm không gian, laptops, e-mails và một siêu máy tính có nhân tính (HAL, với ngụ ý là hóa thân của IBM, là ba mẫu tự đi liền trước tên hãng này). HAL vẫn là viễn tưởng, nhưng các thứ khác đã trở thành quen thuộc với chúng ta từ hàng chục năm nay.

Sinh thời, Clarke vẫn tự hào đã gây được sự đam mê cho các thế hệ nghiên cứu và thám hiểm không gian như không ít người trong ngành đã bày tỏ với ông. Thực vậy, các tác phẩm của Clarke có thể không phải là những tác phẩm văn chương lớn, nhưng những ý tưởng trong đó về khám phá vũ trụ, về viễn ảnh sống còn của nhân loại trong tương lai xa và gần đã có phần ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc nghiên cứu thế giới bao la bên ngoài trái đất.


Các "định luật" Clarke (trích trong “Profiles of the Future”, 1962):

1. Khi một khoa học gia nổi tiếng mà lớn tuổi cho rằng một chuyện gì đó là có thể xảy ra được thì ông ta hầu như chắc chắn đúng. Song khi vị này bảo rằng chuyện gì đó là không thể có được thì phần chắc là ông ta sai. (When a distinguished but elderly scientist states that something is possible, he is almost certainly right. When he states that something is impossible, he is very probably wrong.)

2. Cách duy nhất để xác định lằn ranh của cái có thể là mạo hiểm vượt qua lằn ranh đó để đi về hướng cái không thể. (The only way of discovering the limits of the possible is to venture a little way past them into the impossible.)

3. Bất kỳ công nghệ kỹ thuật nào phát triển đúng mức cũng đều không khác gì phép thần thông. (Any sufficiently advanced technology is indistinguishable from magic.)

No comments: