16 March 2008

Sao chép

Sao chép ở thời đại thông tin kỹ thuật số này có vẻ như chuyện dễ dàng và tự nhiên vô cùng, và với kết quả lúc nào cũng là 100%, tức là sao y bản chánh, không mảy may sai đi một ly, một nét. Chép lại một tấm hình trên mạng chỉ đơn thuần là lưu lại nguyên bản tấm hình đó ở một nơi khác, thông thường là nơi máy cá nhân của mình. Với một văn bản điện tử nào đó cũng vậy, đã sao chép được thì sẽ không thừa một ký hiệu, không thiếu một dấu đơn.

Vậy với các thực thể sống thì sao? Nơi mà chuyện sao chép các thông tin di truyền đã từ hàng tỷ năm nay không bao giờ ngừng nghỉ, và (hy vọng) sẽ còn tiếp tục dài lâu. Sự sao chép này là một tiến trình vật lý lẫn hóa học, và trong những điều kiện sinh học thực tế thì cả trên nguyên tắc cũng không tránh được sai lạc. Những sai lạc này là một trong những nguyên nhân chính gây ra đột biến trong di truyền, tạo điều kiện cho các loài tiến hóa, và dẫn đến - qua một thời gian rất lâu - những sự khác biệt chẳng hạn giữa một thiếu nữ vừa độ xuân thì và một chị gà mái tơ!


Nếu như bây giờ, giữa thế giới muôn màu hiện hữu - với đủ từ hàng ngàn chủng loại gà mái tơ và hàng vạn (?) dáng dấp thiếu nữ với mọi màu tóc, làn da - mà có một phép lạ nào đó cho phép sự sao chép thông tin di truyền đạt được mức độ lý tưởng thì sao? Nghĩa là ở mỗi một sinh vật, trong từng tế bào, sự sao chép thông tin di truyền từ đây trở thành hoàn hảo, không còn cho phép bất kỳ sai sót nào xảy ra nữa cả. Và từ đó (đại đa số) các đột biến di truyền cũng sẽ mất đi hẳn. Phép lạ này sẽ có ảnh hưởng gì đến cuộc sống và thiên nhiên trong thế giới chúng ta? Và có nên mong một ngày nào đó con người có thể tùy nghi mà điều khiển theo ý muốn mức độ hoàn hảo của sự sao chép thông tin di truyền không?

Thật ra, có rất nhiều khả năng là sau khi "tắt đi" đột biến di truyền thì cũng chẳng có chuyện gì trọng đại xảy ra cả, ít nhất là trong một thời gian rất lâu, hàng trăm triệu năm. Ừ, thì trên lý thuyết sự tiến hoá của muôn loài và con người có thể sẽ bị hạn chế một ít, có thể chậm lại đôi chút. Và "chậm" đi không hẳn có nghĩa là làm giảm đi cái muôn màu muôn vẻ của thế giới này đâu. Bởi vì mức độ biến thiên khổng lồ vốn đã có sẵn trong thiên nhiên hôm nay vẫn ngày càng được tiếp tục nhân lên trong sự kết hợp giới tính. Mỗi đứa con sinh ra vẫn còn có cơ hội nhận lấy tổ hợp di truyền mới từ cha và mẹ đó thôi. Mà trong cả sự sinh sản đơn tính cũng vậy, thiên nhiên vẫn có những cơ chế để lưu giữ hữu hiệu các mầm giống qua hàng chục ngàn đời (như thí nghiệm của William J. Beal từ 1879 chứng minh), góp phần phát huy hay ít nhất là bảo tồn sự đa dạng.

Ngược lại, phép lạ này lại giúp hạn chế bớt các mầm bịnh mau chóng kháng thuốc. Và các vi trùng gây cúm gia cầm chẳng hạn sẽ bớt biến hóa ra thiên hình vạn trạng để đe dọa các chị gà mái tơ - và không chừng cả những cô thiếu nữ vừa độ xuân thì nữa!

No comments: