08 February 2008

Đạo văn và giả mạo

Hiện tượng đạo văn (và cả đạo thơ, đạo nhạc, đạo họa) ngày nay xem chừng có vẻ phổ biến. Có vẻ vậy thôi, vì có thể ở thời buổi luật lệ về bản quyền trước tác ngày càng gò bó, cả những chuyện hoặc không đáng, hoặc không đúng cũng bị người ta bươi móc đủ điều. Lẽ ra thì nên xét đến những điều kiện tối thiểu để mà quy tội. Và thường thì ít nhất cũng phải chứng minh có một sự cố ý nào đó đi đôi với tư lợi rõ rệt thì mới nên đem ra bàn.

Mà cố ý tái hiện một phần hay toàn bộ tác phẩm người khác tự nó không hẳn lúc nào cũng là đáng trách. Ngược lại là khác, vì trong văn học nghệ thuật, từ xa xưa con người ta đã sao chép, vay mượn, ảnh hưởng nhau rất nhiều. Vay mượn nội dung để mang vào thêm sự sáng tạo tài hoa như Truyện Kiều[1] thì đã có mấy ai làm được? Hay là thi kịch bất hủ Romeo and Juliet[2] của Shakespeare cũng vậy. Hay bức tranh nổi tiếng Le déjeuner sur l'herbe[3] (Điểm tâm trên cỏ, 1863) của Edouard Manet.



Có khi cái cố ý sao chép lại góp phần bảo tồn di sản văn hóa nữa là khác. Người ta thấy những bức tranh trên vách hang động của các nghệ sĩ tiền sử khá giống nhau trong một vài trường hợp. Tất nhiên khó mà phân định đâu là sáng tạo nguyên thủy, đâu là mô phỏng, nhưng chuyện đó thực ra chưa bao giờ là quan trọng cả. Quan trọng là làm sao bảo toàn được những họa phẩm vô giá này cho mai sau.

Lại lắm khi cái cố ý vay mượn tự nó lại là thủ thuật văn chương nữa. Như khi người ta muốn diễn đạt điều muốn nói một cách gián tiếp qua các câu chữ, hình tượng đã thành kinh điển:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lau mặt đất, rêu phong dấu giầy
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Qua câu "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" Nguyễn Du đã gợi lại tài tình cảm xúc của một Thôi Hộ trở về nơi cũ nhớ người xưa năm trước:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Thôi Hộ - Đề Đô thành Nam trang)

Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
(Trần Trọng Kim dịch)

Có ai bảo đó là đạo thơ?
Mà cũng không ít trường hợp các tâm hồn thơ chỉ ngẫu nhiên đồng cảm, đồng vọng:

Biển một bên em một bên
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biển vào anh với sóng em
(Tế Hanh - Sóng)

Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên
(Trần Đăng Khoa - Thơ tình của người lính biển)

Có khi nguồn cảm hứng lại khơi ra những mạch thơ tình cờ mà quyện vào nhau như vậy. Có trách chăng thì chỉ có thể trách nàng Thơ thôi.

Đó là chuyện đạo văn, là khi mà tác phẩm của mình bị người khác thuổm về dưới tên của họ. Nhưng ít nghe người ta nói về chuyện giả mạo, là khi tác phẩm của ai khác lại mang đúng tên mình! Vậy mà vẫn có! Dạo gần đây, Robert Fisk, một nhà báo Anh sống và làm việc tại Beirut, Libanon, từ gần 30 năm nay và là chuyên gia hàng đầu về xung đột Trung Đông, vừa khám phá ra có người đã dùng tên mình để xuất bản một quyển sách mới ở Ai cập. Cuốn sách viết về cuộc đời của Saddam Hussein ("từ khi chào đời đến khi tử vì đạo") và bán khác chạy, không hiểu là do uy tín của cái tên tác giả hay chỉ do nội dung sách. Ông ta cố công đi tìm tác giả thật của quyển sách, song chưa thành công.

Không hiểu có phải vì ông ta không muốn mang tiếng "đạo văn" bất đắc dĩ hay không?


    1. Từ truyện "Đoạn trường tân thanh" của Thanh Tâm Tài Nhân

    2. Romeo và Juliet là một câu chuyện được lưu truyền bên Ý, đầu tiên được Arthur Brooke phổ thơ (Romeus and Juliet, 1562), sau đó được William Painter kể lại bằng văn xuôi (Palace of Pleasure, 1582). Shakespeare vay mượn hẳn từ cả hai, chỉ thêm thắt vài nhân vật phụ.

    3. Manet họa sơn dầu góc dưới của bản khắc đồng "Il giudizio di Paride" (Buổi phán xét Paris, 1530) của Marcantonio Raimondi, và chính Raimondi thì khắc theo mẫu vẽ (nay đã mất) của thày mình là Raffaello Sanzio (Raphael).

06 February 2008

Tết và bánh chưng và ...

Có ai không biết truyền thuyết vua Hùng Vương thứ 6 có nguời con trai thứ 18 hiếu thảo, cần cù, ngày Tết dâng tặng vua cha món quà của Trời Đất. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dày tròn là trời. Từ ngày ấy bánh chưng gắn liền với Tết, Tết không có bánh chưng không còn là Tết nữa.

Ai sống thời thơ bé ở Việt nam, đã chẳng từng say mê chầu chực ngồi xem ông, bà, bố hay mẹ gói bánh chưng Tết. Những giây phút ấy ấm cúng thân thương làm sao. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà, xung quanh la liệt nào chậu đựng gạo nếp trắng tinh, một rá đầy đỗ xanh đã đồ chín và nắm thành từng nắm nhỏ vàng ươm, nồi đựng thịt lợn cắt thành từng miếng nhỏ như bao diêm và đã đuợc ướp muối cùng hạt tiêu. Và lá dong, xanh ngắt, trước đó mấy anh em đã rửa sạch, lau khô và xếp thành chồng ngay ngắn. Tất cả chỉ còn chờ bàn tay mẹ gói. Mẹ làm chậm rãi lắm, trước hết phải tước gân lá dong để gói cho dễ, xong xếp những chiếc lá to và lành lặn xuống truớc, lá nhỏ lên trên. Rồi lấy cái bát xúc gạo đổ lên trên lá, một nắm đỗ, mấy miếng thịt, rồi lại đỗ và gạo. Xong xuôi mẹ cẩn thận gói sao cho thật vuông vức và chặt tay, rồi dùng lạt buộc lại. Cứ thế, từng chiếc một, gạo đỗ thịt cứ vơi dần và chồng bánh ngày càng cao. Niềm thích thú không dừng lại ở việc gói bánh. Đúng hơn, niềm vui đã bắt đầu từ truớc đó lâu rồi, từ lúc đi mua lá dong, đi xay đỗ, ngâm và vo gạo nếp ... Đến lúc luộc bánh chưng mới lại càng náo nức hồi hộp. Vì luộc bánh rất lâu, phải canh chừng lửa và nước rất cẩn thận, nên nhiều nhà thường góp vào luộc chung với nhau để chia nhau trông nồi bánh. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi cạnh nồi bánh chưng sôi lục bục, nhìn ngọn lửa hồng reo tí tách, quên cả cái rét mùa đông sót lại, đêm dường như cũng ngắn hơn. Và mùi bánh chưng gần chín mới thơm làm sao, chỉ muốn hít lấy hít để mùi thơm đặc biệt ấy, và tưởng tượng ra vị thơm ngon của bánh. Nhưng chẳng có đứa trẻ con nào thức trọn đuợc cả đêm chờ bánh chín, chỉ mang theo vào giấc ngủ niềm vui suớng lâng lâng không gọi thành tên mỗi khi Tết đến.


Ảnh: Nguyên Vũ

Những ngày tháng xa xưa đầm ấm ấy vẫn thỉnh thoảng trở về trong trí tôi, cùng tất cả những nguời cũ, cảnh cũ. Đôi lúc tôi vẫn cứ thích mơ màng đuợc quay trở lại một lần là đứa bé ngày xưa. Là tôi đấy, xách làn cùng mẹ đi mua sắm chợ Tết, kiên nhẫn theo mẹ đi hết hàng này đến hàng kia, cho đến lúc cái làn đã đầy ắp nặng trĩu tay mà vẫn chưa mua xong. Cũng lại là tôi, thương ông ngoại ngồi trông nồi bánh chưng một mình duới bếp, ông yên lặng nhìn ngọn lửa, có phải ông buồn khi chạnh nhớ những cái Tết khi còn bà? Hay cái phút giao thừa thiêng liêng, bố và các anh đốt băng pháo hồng điều hòa cùng tiếng pháo vang trời của tất cả các nhà trong khu tập thể. Giây phút ấy tôi tin tuởng mãnh liệt rằng năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ rất nhiều, và hạnh phúc đang chờ ở phía trước ...

04 February 2008

Màu nắng hay là màu mắt em

Chẳng ai chắc chắn nguồn gốc của sự ví von "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn" là từ đâu. Nghe nói Cicero (106-43 TCN) thời cổ La mã đã bảo tương tự rằng "gương mặt là hình ảnh của tâm hồn, mà đôi mắt là người diễn giải" (ut imago est animi voltus sic indices oculi). Mà cũng không sai, đôi mắt biểu lộ tâm tư, tình cảm, từ âu yếm, dịu dàng đến nghi ngại, sợ hãi, tất cả - dù muốn dù không - đều được trần tình qua mắt.

Người ta miêu tả mắt rất phong phú, nào mắt bồ câu, mắt phượng (mày ngài), mắt nai, mắt ngọc, mắt nhung, mắt ngà, ..., nhiều lắm! Đẹp có: Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền, mà xấu cũng có: Những người ti hí mắt lươn/Trai thời trộm cướp, gái buôn chồng người.

Người Á Đông thường chỉ có mắt màu nâu đen do hàm lượng sắc tố melanin trong mắt cao (cũng như trong tóc, da). Cho nên trong thi ca nếu thỉnh thoảng vẫn gặp

Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
(Tuệ Sỹ - Thoáng chốc)


thì chắc chỉ để ẩn dụ cái trong xanh trinh bạch của tâm hồn nhiều hơn là để tả màu mắt.

Thật ra chính "mắt huyền" của người Á Đông mới là màu mắt của con người nguyên thủy. Do đột biến di truyền mà hàm lượng sắc tố trong mắt ít đi và tùy theo nhiều ít mà tạo màu mắt xám trong hay màu xanh ngọc thạch - hoặc thiếu hẳn đi, như trong trường hợp màu mắt xanh lam hồ thủy. Mới đây người ta còn nghiên cứu thấy rất có thể tất cả những người "mắt biếc" đều xuất thân từ một ông tổ duy nhất đầu tiên mang đột biến này, và cũng chỉ khoảng 6.000 - 10.000 năm trở lại đây thôi, một thời gian khá ngắn ngủi trong lịch sử loài người (Blue-eyed humans have a single, common ancestor).

02 February 2008

Huế và Vinh

Địa danh thường gắn liền với quá trình hình thành và mang dấu ấn địa hình, môi trường, điều kiện sinh hoạt và cả những con người nổi bật của địa phương đó. Có địa danh đi vào lịch sử như Hoa Lư, Mê Linh, Đống Đa,... Có địa danh tự nó đã mô tả khung cảnh địa lý - ít nhất là của thời điểm hình thành - như Cửa Hàn, Rạch Giá, Ba Bể, Vàm Cống, ... Cả cây cỏ, chim muông cũng được hóa thân như Bồ Đề, Thốt Nốt, Gò Dưa,... hay Bến Nghé, Rạch Muỗi, Gành Rái,... Còn thì là những nơi đi chốn về như Nhà Bè, Xóm Chiếu, Chợ Gạo, Cầu Bông,... Lại có không ít những tên người được lưu thiên cổ như Ông Tạ, Bà Chiểu, Cai Lậy,...


Nhưng có một điều thật lạ lùng. Đó là địa danh Việt Nam hầu như đều chuộng đa âm tiết. Như Thủ Đức, Đà Nẵng, Lào Cai chẳng hạn, đều là từ đôi, và có địa danh có đến những ba âm như Ban Mê Thuột, Điện Biên Phủ, Thủ Dầu Một,... Nhưng trong khi đó thì Huế... chỉ là Huế, chỉ lủi thủi một âm đơn! Và Vinh cũng vậy, phải chịu đứng lẻ loi một mình. Thật là lạ lùng, lạ lùng hết sức!

01 February 2008

Bể dâu Trung Đông

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Theo sách xưa một cuộc bể dâu thường là khoản thời gian độ chừng 30 năm, khi biển xanh biến thành nương dâu, để rồi 30 năm sau nữa lại trở ngược lại, cứ vậy mà xoay vần ("tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền"). Cái luân chuyển này không đâu thấy rõ hơn ở vùng Trung Đông, là một trong những cái nôi lớn và xưa nhất của các nền văn minh loài người. Thay đổi không chỉ nền thống trị - là cái bề mặt nổi như trong mẩu phim dưới đây lược kể lại - mà còn sâu xa đến tận cùng đúng theo ý nghĩa bể dâu: thể chế, xã hội, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng... (nguồn: http://www.mapsofwar.com):