Chẳng ai chắc chắn nguồn gốc của sự ví von "Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn" là từ đâu. Nghe nói Cicero (106-43 TCN) thời cổ La mã đã bảo tương tự rằng "gương mặt là hình ảnh của tâm hồn, mà đôi mắt là người diễn giải" (ut imago est animi voltus sic indices oculi). Mà cũng không sai, đôi mắt biểu lộ tâm tư, tình cảm, từ âu yếm, dịu dàng đến nghi ngại, sợ hãi, tất cả - dù muốn dù không - đều được trần tình qua mắt.
Người ta miêu tả mắt rất phong phú, nào mắt bồ câu, mắt phượng (mày ngài), mắt nai, mắt ngọc, mắt nhung, mắt ngà, ..., nhiều lắm! Đẹp có: Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền, mà xấu cũng có: Những người ti hí mắt lươn/Trai thời trộm cướp, gái buôn chồng người.
Người Á Đông thường chỉ có mắt màu nâu đen do hàm lượng sắc tố melanin trong mắt cao (cũng như trong tóc, da). Cho nên trong thi ca nếu thỉnh thoảng vẫn gặp
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
(Tuệ Sỹ - Thoáng chốc)
thì chắc chỉ để ẩn dụ cái trong xanh trinh bạch của tâm hồn nhiều hơn là để tả màu mắt.
Thật ra chính "mắt huyền" của người Á Đông mới là màu mắt của con người nguyên thủy. Do đột biến di truyền mà hàm lượng sắc tố trong mắt ít đi và tùy theo nhiều ít mà tạo màu mắt xám trong hay màu xanh ngọc thạch - hoặc thiếu hẳn đi, như trong trường hợp màu mắt xanh lam hồ thủy. Mới đây người ta còn nghiên cứu thấy rất có thể tất cả những người "mắt biếc" đều xuất thân từ một ông tổ duy nhất đầu tiên mang đột biến này, và cũng chỉ khoảng 6.000 - 10.000 năm trở lại đây thôi, một thời gian khá ngắn ngủi trong lịch sử loài người (Blue-eyed humans have a single, common ancestor).
04 February 2008
Màu nắng hay là màu mắt em
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment