08 February 2008

Đạo văn và giả mạo

Hiện tượng đạo văn (và cả đạo thơ, đạo nhạc, đạo họa) ngày nay xem chừng có vẻ phổ biến. Có vẻ vậy thôi, vì có thể ở thời buổi luật lệ về bản quyền trước tác ngày càng gò bó, cả những chuyện hoặc không đáng, hoặc không đúng cũng bị người ta bươi móc đủ điều. Lẽ ra thì nên xét đến những điều kiện tối thiểu để mà quy tội. Và thường thì ít nhất cũng phải chứng minh có một sự cố ý nào đó đi đôi với tư lợi rõ rệt thì mới nên đem ra bàn.

Mà cố ý tái hiện một phần hay toàn bộ tác phẩm người khác tự nó không hẳn lúc nào cũng là đáng trách. Ngược lại là khác, vì trong văn học nghệ thuật, từ xa xưa con người ta đã sao chép, vay mượn, ảnh hưởng nhau rất nhiều. Vay mượn nội dung để mang vào thêm sự sáng tạo tài hoa như Truyện Kiều[1] thì đã có mấy ai làm được? Hay là thi kịch bất hủ Romeo and Juliet[2] của Shakespeare cũng vậy. Hay bức tranh nổi tiếng Le déjeuner sur l'herbe[3] (Điểm tâm trên cỏ, 1863) của Edouard Manet.



Có khi cái cố ý sao chép lại góp phần bảo tồn di sản văn hóa nữa là khác. Người ta thấy những bức tranh trên vách hang động của các nghệ sĩ tiền sử khá giống nhau trong một vài trường hợp. Tất nhiên khó mà phân định đâu là sáng tạo nguyên thủy, đâu là mô phỏng, nhưng chuyện đó thực ra chưa bao giờ là quan trọng cả. Quan trọng là làm sao bảo toàn được những họa phẩm vô giá này cho mai sau.

Lại lắm khi cái cố ý vay mượn tự nó lại là thủ thuật văn chương nữa. Như khi người ta muốn diễn đạt điều muốn nói một cách gián tiếp qua các câu chữ, hình tượng đã thành kinh điển:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lau mặt đất, rêu phong dấu giầy
Cuối tường gai góc mọc đầy
Đi về này những lối này năm xưa
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Qua câu "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" Nguyễn Du đã gợi lại tài tình cảm xúc của một Thôi Hộ trở về nơi cũ nhớ người xưa năm trước:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Thôi Hộ - Đề Đô thành Nam trang)

Hôm nay, năm ngoái, cửa cài
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.
(Trần Trọng Kim dịch)

Có ai bảo đó là đạo thơ?
Mà cũng không ít trường hợp các tâm hồn thơ chỉ ngẫu nhiên đồng cảm, đồng vọng:

Biển một bên em một bên
Ta đi trên bãi cát êm đềm
Thân buông theo gió, hồn theo mộng
Sóng biển vào anh với sóng em
(Tế Hanh - Sóng)

Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên
(Trần Đăng Khoa - Thơ tình của người lính biển)

Có khi nguồn cảm hứng lại khơi ra những mạch thơ tình cờ mà quyện vào nhau như vậy. Có trách chăng thì chỉ có thể trách nàng Thơ thôi.

Đó là chuyện đạo văn, là khi mà tác phẩm của mình bị người khác thuổm về dưới tên của họ. Nhưng ít nghe người ta nói về chuyện giả mạo, là khi tác phẩm của ai khác lại mang đúng tên mình! Vậy mà vẫn có! Dạo gần đây, Robert Fisk, một nhà báo Anh sống và làm việc tại Beirut, Libanon, từ gần 30 năm nay và là chuyên gia hàng đầu về xung đột Trung Đông, vừa khám phá ra có người đã dùng tên mình để xuất bản một quyển sách mới ở Ai cập. Cuốn sách viết về cuộc đời của Saddam Hussein ("từ khi chào đời đến khi tử vì đạo") và bán khác chạy, không hiểu là do uy tín của cái tên tác giả hay chỉ do nội dung sách. Ông ta cố công đi tìm tác giả thật của quyển sách, song chưa thành công.

Không hiểu có phải vì ông ta không muốn mang tiếng "đạo văn" bất đắc dĩ hay không?


    1. Từ truyện "Đoạn trường tân thanh" của Thanh Tâm Tài Nhân

    2. Romeo và Juliet là một câu chuyện được lưu truyền bên Ý, đầu tiên được Arthur Brooke phổ thơ (Romeus and Juliet, 1562), sau đó được William Painter kể lại bằng văn xuôi (Palace of Pleasure, 1582). Shakespeare vay mượn hẳn từ cả hai, chỉ thêm thắt vài nhân vật phụ.

    3. Manet họa sơn dầu góc dưới của bản khắc đồng "Il giudizio di Paride" (Buổi phán xét Paris, 1530) của Marcantonio Raimondi, và chính Raimondi thì khắc theo mẫu vẽ (nay đã mất) của thày mình là Raffaello Sanzio (Raphael).

No comments: