28 April 2010

Đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở München 17.04.2010

Lời ghi của một người trong cuộc

Kỷ niệm thường đẹp, có thể vì ký ức đã gạn lọc hay vì người ta không còn nhìn những cái đã qua trong vai trò người trong cuộc. Những hồi hộp, căng thẳng đã chìm tan, những giọng hát, tiếng đàn đã lắng đọng thành âm hưởng, những ánh mắt, nụ cười đã hòa quyện vào tâm thức. Đêm nhạc là hóa thân của nhiều cái đầu tiên ở thành phố Nam Đức này: lần đầu tiên với một chủ đề chỉ xoay quanh sáng tác của một người, lần đầu tiên thực hiện từ những tài năng trong cộng đồng nhưng không mang tính cách sinh hoạt cộng đồng mà thuần về nghệ thuật, lần đầu tiên một hội trường khán giả thực sự thả hồn theo giai điệu lời ca, gây được khích lệ vô chừng nơi người diễn, lần đầu tiên một tập thể yêu nghệ thuật đến với nhau thật gần trong một thời gian ngắn ngủi, … Ngoài xa kia núi lửa xứ Băng đảo* vẫn phun không nghỉ, bầu trời nơi này cũng vắng hẳn những tất bật ngày thường, đưa chút nắng tháng Tư đón chào những tâm hồn yêu nhạc Trịnh Công Sơn.


Yêu nhạc Trịnh Công Sơn? Có thể đó chính là lý do mà số người tham dự đêm nhạc không quá đông, nhưng cũng không quá ít**. Ngay ban tổ chức cũng đã bảo nhau, nhạc Trịnh Công Sơn ai cũng biết, nhưng lại kén người nghe. Và sự kén chọn đó vô hình trung đã đem lại gần nhau những thành phần tham dự rất khác biệt, từ những anh chị từng trải qua lứa tuổi thanh niên với những Ca khúc da vàng hay Kinh Việt Nam, cho đến những em sinh viên của hôm nay tiếp cận "nhạc Trịnh" như một di sản văn hóa phi thời gian, từ những tâm hồn mà một phần kỷ niệm đã gắn chặt với từng câu chữ trong những tình khúc Trịnh Công Sơn, cho đến những người cảm được từng giọt nắng, tiếng mưa, cùng chơi vơi theo tâm tưởng người nhạc sĩ đất Thần kinh, sẻ chia những phân vân, hoài nghi về kiếp nhân sinh bàng bạc khắp những tâm vọng rớt rơi trên từng nhịp đàn nốt nhạc.

Nhạc Trịnh Công Sơn không những kén người nghe, mà còn kén cả giọng hát, điệu đàn. Chính những ca khúc đầu môi quen thuộc lại cần sự biểu cảm đến ngay từ khúc dẫn nhập cho đến khi cùng lời ca lùi dần theo đoạn kết. Ý thức này không chỉ nâng hẳn chất lượng của các tiết mục mà còn là lực đẩy các anh chị em nghệ sĩ đến gần nhau hơn. Thực vậy, từng tiếng hát, nhịp đàn với những lúc thánh thót vươn cao, những lúc lan tỏa trải dài, mỗi mỗi đều là kết tinh của những sáng tạo, cần mẫn, của những đắn đo, lý giải, của cả những vỗ về, khích lệ đến từ mỗi người, và dành cho mọi người. Trên hành trình không dài từ bước đầu gặp gỡ cho đến khi thể hiện trên sân khấu đã có bao nhiêu điều vỡ ra, được bỏ lại bên đường hay trân trọng mang theo, không ít lần đã do chính lời ca mà người hát thơ họ Trịnh gửi lại cho đời.

Đêm nhạc đã mở ra một sân chơi âm nhạc mới cho đại gia đình người Việt ở München. Hình thức thính phòng tuy chưa phổ biến nhiều trong cộng đồng nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nồng ấm từ hầu hết những người tham dự. Còn không ít vụng về, sơ sót, bất tiện về địa điểm, lủng củng về trình tự, dông dài trong lời thoại, ... chỉ mong tất cả rồi sẽ đọng lắng lại như một kỷ niệm - gửi đi từ những tấm lòng.

04/2010

___________________

* 2 ngày trước đêm nhạc, núi lửa Eyjafjalla lại phun trào, làm gián đoạn hàng không toàn châu Âu

** ước tính có khoảng 120 khán giả tham dự