Lễ mẹ là một ngày lễ tượng trưng, tùy theo quốc gia mà được quy về nhiều nguồn gốc khác nhau, và được định vào những hạn kỳ khác nhau. Có nơi rất sớm như Na Uy (chủ nhật thứ nhì của tháng hai) hay Anh (chủ nhật thứ tư trong thời gian chay tịnh trước lễ Phục Sinh, thường rơi vào tháng ba), có nơi rất trễ như Á Căn Đình (Ác-hen-ti-na, chủ nhật thứ nhì của tháng mười) hay Nga (chủ nhật cuối của tháng mười một). Người Việt thì đa số dành lễ Vu Lan vào rằm tháng bảy âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến mẹ. Cho nên nói chung thì đây là một ngày lễ cực kỳ di động, tùy nơi, tùy năm và cũng tùy theo ...lịch in ấn thế nào! Vì sao? Vì ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày lễ mẹ là một ngày lễ không chính thức, chỉ được qui ước theo truyền thống, và nếu không trùng với chủ nhật hay một ngày lễ chính thức khác (chẳng hạn ở Costa Rica, nhằm lễ Đức mẹ thăng thiên) thì vẫn là một ngày làm việc bình thường. Qui ước ngày lễ mẹ phổ biến nhất - vì được gần ba mươi quốc gia chọn, trong đó có Nhật, Úc, Mỹ, Trung quốc, bên cạnh nhiều nước ở Âu châu - là ngày chủ nhật thứ nhì của tháng năm.
Lễ mẹ thì thông thường người ta tặng quà cho các bà mẹ. Hay ít nhất là ở thời buổi mà mọi thứ đều được thương mại hóa như ngày nay. Và tặng gì? Đủ cả, khắp nơi người ta ráo riết quảng cáo các mặt hàng khả dĩ có thể làm quà cho các bà mẹ. Từ sách báo, bánh kẹo cho đến trang sức, mỹ phẩm. Và nhất là hoa. Hoa là món quà vừa tự nhiên, vừa đẹp. Đẹp hương, đẹp dáng, đẹp trong sự thanh tao, đẹp với vẻ mỏng mảnh. Không chỉ ngày nay, tặng hoa từ ngàn xưa đã trở thành một giá trị bất di bất dịch của văn minh loài người. Cho nên đối với các cửa hàng bán hoa, ngày lễ mẹ là một trong những ngày làm ăn lớn không thể bỏ qua. Riêng ở Đức, thống kê cho biết doanh thu về hoa chỉ trong ngày lễ mẹ lên đến khoảng 130 triệu Euro (hơn xa ngày lễ Valentine), với khuynh hướng ngày càng tăng. Cho nên hoa tặng từ lâu đã trở thành một công nghiệp lớn với qui trình sản xuất và phân phối qui mô. Trong thời đại toàn cầu hóa này, hoa tặng cho thị trường Âu châu được gây và chọn giống ở Hòa Lan, trồng và gặt hái ở Kenia, Uganda, Tansania, Ethiopia (Phi Châu), ở Ecuador, Colombia (Nam Mỹ), ở Ấn độ và Trung quốc (Á châu), ướp lạnh và chở về phân phối cho các dây chuyền cung cấp lớn tại Âu châu. Và cũng như trong các ngành công nghiệp khác, không khỏi có nhiều vấn đề tồn tại (có thực hay được thổi phồng có dự tính) như bóc lột công nhân, lao động trẻ em, sử dụng hóa chất độc hại để trừ sâu diệt trùng. Cũng theo thống kê, lương tháng bình quân của một bà mẹ làm việc quần quật trên những trang trại trồng hoa Phi châu chưa đủ để mua được cho mình một chục đóa hoa hồng loại đẹp với giá thành ở các cửa hàng hoa Âu châu. (Nhưng không có được việc làm này, họ cũng sẽ không có được nguồn thu nhập mà ở xứ họ thường khi nuôi được cả một gia đình.)
Doanh thu và lợi nhuận lớn như vậy nên năm nay ở Đức người ta tranh cãi, thậm chí kiện tụng nhau ầm ỹ về ngày lễ mẹ. Chỉ vì chủ nhật thứ nhì của tháng năm 2008 lại trùng với ngày lễ Thất tuần (hay còn gọi là ngày thánh thần hiện xuống) của đạo Thiên chúa. Vì đây là một trong những lễ truyền thống lớn của xã hội Đức, luật lệ hiện hành nghiêm cấm mọi hoạt động thương mãi trong ngày này, không khoan nhượng như những ngày chủ nhật bình thường, và như vậy tất nhiên các cửa hàng hoa thảy đều phải đóng cửa. Đòi hỏi và kiện cáo không thành công, các hiệp hội buôn bán hoa đưa ra đề nghị dời ngày lễ mẹ lại trước một tuần. Nhưng tuy ở Đức không có một cơ quan nào chính thức qui định hạn kỳ ngày lễ mẹ, họ vẫn chịu bó tay, không thực hiện được việc dời đổi này. Đơn giản chỉ vì lịch sách đã in và lưu hành rộng rãi, báo chí và truyền thông cũng phổ biến ngày tháng từ lâu, không còn rút lại được nữa. (Mãi đến năm 2035 mới lại trùng ngày như vậy lần nữa, tháng rộng ngày dài, tìm ra giải pháp êm đẹp cho mọi đàng khi đó chắc sẽ không khó mấy.)
Cho dù vậy, hy vọng các bà mẹ Đức (và các nơi khác) vẫn được ưu ái thật nhiều trong ngày lễ mẹ này, bằng cách này hay cách khác, với hoa tặng hay với tấm lòng... Và không chỉ vào ngày này mà thôi.
No comments:
Post a Comment