Thời buổi này sách vở mua về đọc xong chẳng phải để cất lên kệ, đặt vô tủ, giữ làm của, để rồi họa hoằn lắm mới (miễn cưỡng) đem cho ai đó mượn đọc. "Đối xử" với sách như vậy xem chừng không hợp lắm với phong cách sống hiện đại. Hay ít nhất là không tiêu biểu cho thế hệ Web 2.0.
Vậy thì nên làm gì với sách? Nên cho chúng lên đường viễn du! Đó là ý tưởng của bookcrossing.com, nay đã trở thành một phong trào rộng lớn với gần 700.000 người từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Để gửi một quyển sách nào đó lên đường rong ruổi, bạn có thể cố ý ...bỏ quên nó trong quán cà phê chẳng hạn. Hay trên xe buýt, trên ghế đá công viên, trong phòng đợi khám bệnh... nói chung là ở một nơi công cộng nào đó để quyển sách sớm được người khác nhặt lên đọc. Và sau đó lại được "gửi" đi tiếp, như ghi chú ngay bìa trong quyển sách đã yêu cầu: "Khi nào đọc xong, bạn vui lòng chuyển quyển sách này cho một người khác mà bạn nghĩ có thể cũng thích đọc."
Mỗi quyển sách trên đường du hành đều mang một số hiệu đơn nhất (BCID) cấp bởi bookcrossing.com. Cơ sở dữ liệu trên trang web này cho phép ghi lại đầy đủ nhận định của những người đọc về nội dung cùng với địa điểm, thời gian và tình tiết dọc đường gió bụi của quyển sách. Tất nhiên là không phải người nào nhận được quyển sách đều là thành viên của bookcrossing.com, nhưng không ít người đã nhân dịp này gia nhập, hay ít nhất là vào trang web của hội để cập nhật hành trình của quyển sách.
Ron Hornbaker nảy ra và thực hiện ý tưởng cho sách du hành vào 2001. Từ đó, câu lạc bộ sách lưu động miễn phí này ngày càng đông đảo thành viên (hiện trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 300 người từ cả 5 châu gia nhập). Trên bước đường lưu lạc, sách đã đẩy con người xích lại gần nhau với vô số những cuộc hội thảo, họp mặt, gặp gỡ diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và nghe đâu cũng đã kết nối không ít mối tơ duyên.
No comments:
Post a Comment