Kể đến đầu thế kỷ 21 này, chuyện xây dựng một thẩm quyền quán thế đứng bên trên (hay bên ngoài) mọi sự khác biệt và tranh chấp trên toàn thế giới vẫn còn là một giấc mơ. Giấc mơ này có không ít khả năng vĩnh viễn phải chịu duyên phần một giấc mơ của cộng đồng loài người, cho dù đây đó đã lấp ló một vài hiện thân nho nhỏ - nhưng nói chung vẫn bất lực - như tổ chức Liên Hiệp Quốc (và tiền thân của nó là Hội Quốc Liên) với các Ủy ban trực thuộc, Công pháp quốc tế, Tòa án quốc tế, và nhất là Liên hiệp Chữ thập đỏ (Hồng thập tự) quốc tế.
Tại sao một tổ chức như phong trào Chữ thập đỏ với tiêu chí duy nhất là cứu hộ nhân đạo - sau gần một thế kỷ rưỡi làm việc - vẫn lắm khi bị nhìn dưới con mắt hồ nghi, thiếu tin tưởng, thậm chí còn bị xua đuổi hay cấm đoán hẳn như mới đây ở Miến Điện? Lẽ nào một trong những nguyên nhân chính lại nằm ngay ở cái tên và biểu tượng của phong trào?
Vì rằng có mấy ai còn nhớ là biểu tượng chữ thập đỏ đơn thuần chỉ là hình ảnh đảo ngược của quốc kỳ Thụy sĩ, được chọn để vinh danh nguồn gốc của người sáng lập tổ chức này là Henri Dunant. Mà biểu tượng để mà làm gì? Ở thời điểm thành lập (1863), với mục tiêu lúc đầu là săn sóc và cứu chữa cho binh sĩ bị thương ngay tại chiến trường, người ta hoàn toàn không nghĩ đến vai trò của một thương hiệu mà chỉ đơn giản muốn có một lá cờ biểu thị rõ ràng vai trò trung lập và nhân đạo, được các bên tham chiến nhìn nhận và bảo vệ khi thực hiện việc cứu hộ ngay trên chiến trường. Nhưng biểu tượng bao giờ cũng vẫn mang vai trò biểu tượng, cho cái này hay cho cái khác. Chính lá cờ chữ thập đỏ mang tính nhân đạo này, khi cứu giúp các thương binh Hồi giáo trong cuộc chiến Nga - Thổ nhĩ kỳ 1877-1878 lại gợi lại cho họ hình ảnh các cuộc Thập tự chinh đẫm máu thời Trung cổ. Vì vậy mà Phong trào từ đó đã lấy thêm một biểu tượng thứ nhì là Trăng lưỡi liềm đỏ và về sau cũng đổi tên cho tương ứng thành Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Nhưng cho dù nguồn ngọn thực sự ra sao và mục đích cao thượng thế nào thì việc đưa thêm vào Trăng lưỡi liềm đỏ dù muốn dù không lại đã gián tiếp nhìn nhận là biểu tượng chữ thập đỏ vô tư kia có liên quan đến thập tự giá của truyền thống Thiên chúa giáo.
Có lẽ đây là một nước cờ tuy nhân đạo nhưng lại mang nhiều bất lợi cho phong trào. 1922 vương quốc Ba Tư cũng đòi hỏi cho bằng được sự công nhận biểu tượng Sư tử và mặt trời đỏ mà chỉ đến 1980, khi trở thành nước Cộng hòa Iran họ mới từ bỏ. Dĩ nhiên các quốc gia khác cũng không chịu "thiệt thòi" và tranh nhau yêu cầu biểu tượng riêng của mình. Afghanistan với vòm cửa đỏ, Congo con cừu đỏ, Ấn độ chữ vạn đỏ,... Tuy vậy, phong trào sớm nhận ra sai lầm và tuyệt đối không chấp nhận thêm biểu tượng nào khác. Cho đến 2005, khi sự tranh cãi về biểu tượng ngôi sao David đỏ mà nước thành viên Do thái (hội Magen David Adom) tùy tiện sử dụng lên đến cao độ, phong trào đã phải thông qua thêm một giải pháp thỏa hiệp: biểu tượng "Tinh thể đỏ" với hình dạng hình thoi trở thành biểu tượng thứ ba mang tính cách trung lập của phong trào.
Chừng ấy biểu tượng tưởng đã đủ đáp ứng cho mọi tình thế, đủ để yên tâm trở về tập trung vào mục đích chính là cứu hộ nhân đạo. Nhưng tiếc rằng thực tế cho thấy vẫn không được như vậy, như đã thấy ở Miến Điện, Zimbabwe hay Darfur.
Hay là có khi lại cần thêm một biểu tượng nữa với ý nghĩa nhân đạo cưỡng chế cho những trường hợp này?
29 May 2008
Nhân đạo và biểu tượng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment