02 May 2008

Rước đuốc Thế vận

Nghi thức rước đuốc Thế vận hội thật ra chẳng có gì là thiêng liêng, và chắc chắn là không bắt nguồn từ những cuộc tranh tài Thế vận thời cổ đại ở Hy Lạp như nhiều người vẫn nghĩ. Ngay cả ngọn lửa "thiêng" Thế vận hội cũng chỉ được đốt lên lần đầu vào năm 1928 ở Amsterdam, Hòa Lan. Khi bắt đầu chuẩn bị tổ chức Thế vận hội 1936 tại Berlin, Đức, một viên chức cao cấp của Ủy ban Thế vận quốc gia Đức là Carl Diem đã đề ra ý kiến đốt lên ngọn lửa tại khu di tích Olympia ở Hy Lạp và tổ chức chạy tiếp sức đưa ngọn lửa bằng đuốc về địa điểm tranh tài ở Berlin. Nghi thức này được Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Joseph Goebbels hết sức tán thành và khai thác thành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để tuyên dương sự hùng mạnh của dòng giống Arier và thể chế Đức quốc xã. (Đức quốc xã vốn coi chủng tộc Arier thực ra chỉ có trong huyền thoại này là siêu đẳng, có đặc quyền thống trị mà họ và các chủng tộc gốc Đức ở Trung và Bắc Âu là những hậu duệ chính thống).
Công cuộc rước đuốc Thế vận này được tổ chức thật sự chu đáo, với những biện pháp tuyên truyền nay đã trở thành kinh điển: ngọn lửa được đốt lên ở Olympia và các địa phương đi ngang vào "giờ linh" giữa Ngọ, kèm theo lễ nghi trọng thể với diễn văn của chức sắc sở tại và hội chợ ăn mừng cho dân chúng địa phương, khắp nơi rền vang tiếng trống nhạc và những hồi chuông đổ dồn, khung cảnh rực rỡ với cả rừng cờ chữ vạn của Đức quốc xã, các đài truyền thanh tập trung phát đi từng giờ diễn biến của cuộc rước đuốc kéo dài 3.075 cây số, xuyên qua 7 quốc gia, với các lực sĩ cầm đuốc thảy đều tóc vàng, mắt xanh, biểu tượng tinh anh của nòi Arier (!).



Cảnh đuốc về đến Berlin trong phim "Olympia" (1938)
của Leni Riefenstahl, nay đã trở thành kinh điển của
điện ảnh tuyên truyền


Khí thế uy vũ đến nổi, khi đuốc Thế vận về đến thành Wien, Áo quốc, phe Quốc xã Áo đã rầm rộ biểu tình đòi tự nguyện sát nhập Áo quốc vào Đế chế đệ tam của Đức (điều mà không lâu sau đó đã trở thành hiện thực, với những lý lẽ không cưỡng lại được là gót giày nhà binh của quân đội Đức). Dù dọc theo lộ trình ở một vài nước đã có ít nhiều phản đối chế độ phát xít Đức, nói chung cuộc rước đuốc vẫn đạt kết quả ngoài sự mong đợi của bộ máy tuyên truyền Đức quốc xã. Chỉ có một ngoại lệ đáng kể là dân chúng Tiệp khắc đã ào ạt xuống đường phản đối, thậm chí đã dập tắt ngọn lửa khi về đến Praha. Lý do là trên bản đồ lộ trình rước đuốc, các vùng đất của Tiệp đang trong vòng tranh chấp với Đức vì có nhiều dân gốc Đức cư ngụ (Sudetenland) đã bị vẽ nhập vào lãnh thổ Đức (việc mà chỉ 2 năm sau sẽ diễn ra cả trên thực tế).



Lễ khai mạc Thế vận hội Berlin 1936 với nhiều đoàn
lực sĩ còn rất vô tư trong tư thế chào Heil Hitler


Lịch sử đôi khi có những sự lập lại bất ngờ. Lộ trình rước đuốc của nước tổ chức năm 2008 cũng tự ý vẽ một khu vực tranh chấp về hẳn phần họ (tuy rằng hầu như không có sự phản đối nào được ghi nhận). Năm 1936, việc tham gia hay tẩy chay Thế vận hội Berlin cũng đã là đề tài tranh luận sôi nổi khắp nơi, vì tận những ngày đó thế giới đã ngờ ngợ thấy được chính sách phân biệt và đàn áp chủng tộc của chế độ phát xít này sẽ dẫn về đâu.

No comments: