Chính phủ Đức vừa công bố kết quả tạm thời của báo cáo mới về tình trạng giàu nghèo trong xã hội Đức. Theo đó, hố ngăn cách giàu nghèo ở nước này ngày càng đào sâu. 13% dân số sống nghèo, 13% khác cũng sẽ rơi vào tình trạng này nếu không có trợ cấp của nhà nước. Mặt khác, thu nhập của giới giàu lại tăng lên đáng kể.
Như vậy là cứ 4 người dân Đức là có 1 người nghèo, hay thực tế sẽ nghèo nếu phải tự xoay sở. Con số này thoạt nhìn có vẻ trái ngược với một quốc gia thành viên của G8 - tức là một trong 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới - như Đức. Cho nên có lẽ nên phân biệt rõ ràng thế nào là "nghèo".
Có cái nghèo ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn. Nghèo ở đây là thiếu thốn trầm trọng những phương tiện tối thiểu để sinh tồn mà người ta còn gọi là nghèo tuyệt đối. Nghe có vẻ từ chương, nhưng đằng sau khái niệm này chỉ đơn giản là đói khát vì thiếu ăn thiếu uống, là không đủ áo quần để che thân, là không chỗ trú nắng mưa, là không được điều trị và không có thuốc men khi bệnh tật, là sống lây lất vất vưỡng trong những tình trạng tồi tệ không xứng đáng với con người... Dĩ nhiên người dân Đức - nói chung - không đến nổi lâm vào cái nghèo tuyệt đối này. Cái nghèo người ta khảo sát ở đây là nghèo tương đối. Nếu phải định nghĩa cái nghèo này theo lối sách vở thì cũng lắm cách. Nghèo tương đối trên cơ sở điều kiện sống là khi sự thiếu thốn các phương tiện vật chất, văn hóa và xã hội buộc con người phải sinh hoạt ngoài lề cuộc sống bình thường trong một quốc gia. Một hướng tiếp cận khác là xét cái nghèo tương đối trên cơ sở cơ hội phát triển (capabilities) của con người mà Amartya Sen đề ra. Theo đó thì người ta nghèo khi thiếu đi những cơ hội để tự phát triển một cuộc sống trên căn bản tự do, chẳng hạn như được học hỏi, đào tạo, làm việc, tổ chức cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội, chính trị, hay ngay cả sắp xếp, định đoạt các mối quan hệ hay các thú vui giải trí.
Tuy vậy, để phân định rõ lằn ranh giàu nghèo thì người ta lại dùng khái niệm nghèo tính theo mức thu nhập. Liên minh Âu châu đặt lằn ranh nghèo ở mức 60% của giá trị thu nhập ròng trung vị (median) trong một quốc gia (chính xác thì phải hiểu là ai có thu nhập ròng dưới mức này chỉ có "nguy cơ nghèo", vì thu nhập xét ở đây không bao gồm cả tài sản có thể đã có sẵn). Thật ra nguyên tắc này có nhiều khiếm khuyết vì tương đối hóa cái giàu nghèo còn nhiều hơn các phương thức tiếp cận đã nói ở trên. Giả sử 80% dân số của một quốc gia nào đó lâm vào tình trạng nghèo tuyệt đối (tiếc là những quốc gia như vậy tuy không có ở châu Âu nhưng không hẳn chỉ có trên lý thuyết), thì theo cách tính này vẫn có 50% dân số có mức thu nhập trên mức trung vị, và như vậy còn nhiều hơn nữa không bị kể là nghèo, trong khi họ thực sự vẫn thiếu ăn thiếu mặc theo cách nhìn tuyệt đối. Giá trị thu nhập trung vị của Đức hiện ở mức không quá thấp (khoảng 1.302 €/tháng/người) nên tính chính xác của báo cáo nói ở đầu bài có thể chấp nhận được.
Mà không phải chỉ cái nghèo mới khó định được xác đáng, cả cái giàu có khi cũng chỉ tương đối mà thôi. Như trong câu chuyện kia kể về một cậu bé con nhà trọc phú từ nhỏ chỉ sống trong nhung lụa một hôm được cha dẫn đi "thực tế". Ý người cha là muốn con mình tận mắt thấy được cái nghèo ra sao. Ông ta dẫn con ra vùng sâu vùng xa, sinh hoạt vài ngày cùng một gia đình nông dân nghèo khó. Trên đường về ông hỏi cậu bé: "Con đã hiểu ra cái nghèo chưa?". Em suy nghĩ giây lâu rồi trả lời: "Con thấy mình chỉ có một con chó còn họ có đến bốn con. Nhà mình có một hồ bơi nhỏ còn chỗ họ có cả một con sông rộng ngút ngàn. Vườn nhà mình có vài ngọn đèn thắp sáng trong khi ở đó đêm đến trời vằng vặc ánh sao. Đứng ở cửa nhà mình nhìn ra đến cuối ngõ còn họ thì trông thấy cả chân trời. Mình ở trên một khu đất tương đối rộng nhưng họ được sống với đồng ruộng bao la. Mình phải đi mua lương thực, còn họ được tự trồng lấy mà ăn. Quanh nhà mình có hàng rào bảo vệ trong khi họ có bao nhiêu bà con chòm xóm chở che..."
Người cha nghe con nói mà lặng người. Ông chưa kịp đáp lại thì đã nghe cậu bé tiếp lời: "Cám ơn cha đã cho con thấy chúng ta nghèo thế nào."
No comments:
Post a Comment