Mọi chuyện xem ra có vẻ rất bình thường. Cái bình thường của một ngày đặc biệt từ lâu đã trở thành quen thuộc. Bích chương, biểu ngữ giăng đầy các nơi, cờ phướng chen nhau phần phật trong gió. Trống kèn rộn ràng của các em thiếu nhi chen giữa tiếng hát hăng say của những nhóm đồng ca trên đường phố. Tất cả đều muốn góp phần tăng vẻ long trọng cho cuộc bầu cử địa phương toàn quốc của Cộng Hòa Dân Chủ Đức vào ngày 07/05/1989. Những hình ảnh như vậy được truyền hình và báo chí CHDCĐ trực tiếp loan tải khắp nơi. Nào ai ngờ đó lại là cuộc bầu cử cuối cùng của xứ sở tự mệnh danh là "nhà nước công nông" (Arbeiter- und Bauernstaat). Cũng chẳng ai nghĩ chính ngày chủ nhật mùa xuân này lại mở màn cho những cuộc tuần hành bầu cử trong nín lặng (stumme Wahldemonstration) vào mỗi ngày mùng bảy những tháng sau đó ở Berlin và các tỉnh thành, dẫn đến những cuộc "biểu tình ngày thứ hai" (Montagsdemonstration) huyền thoại tại Leipzig, và cuối cùng dọn đường cho "bước ngoặt" (Wende) trong lịch sử Đức thời hậu chiến.
Biểu tình ngày 07/06/1989
(Ảnh: Hans-Jürgen Röder,
nguồn: Robert-Havemann-Gesellschaft)
nguồn: Robert-Havemann-Gesellschaft)
Cái gì đã làm cho những khẩu hiệu đầy tự hào "DDR - mein Vaterland!" (CHDCĐ - Tổ quốc tôi!) vẫn còn nguyên trên những bờ tường, góc phố bỗng nhiên trở thành mất hiệu lực? Cái gì đã làm cho một mảng lớn của một xã hội vốn đã thúc thủ, phó mặc hàng bốn mươi năm bỗng nhiên dũng cảm chồm dậy? Và cái gì đã làm cho một mảng không nhỏ khác - mà bà Thủ tướng Đức đương nhiệm nhân dịp tưởng niệm 20 năm ngày lịch sử này vừa rồi đã không quên tuyên dương - đã dũng cảm không kém khi họ bất phục tùng, không sử dụng sức mạnh của súng đạn trong tay để thực sự trấn áp?
Câu trả lời nghiêm túc - nếu có - chắc hẳn đã và vẫn còn làm hao tốn không ít giấy mực, và xin để dành lại cho những nhà sử học có thẩm quyền. Chỉ nhớ là với cuộc bầu cử tháng năm năm đó tất cả vẫn bổn cũ soạn lại, vẫn diễn ra hệt như những lần bầu cử khác. Có khác chăng chỉ là một đôi con số của lần sau cùng này: liên danh thống nhất (vì là duy nhất) của Mặt trận quốc gia (Einheitsliste der Nationalen Front) do đảng cầm quyền đề cử "chỉ" đạt được kết quả 98,85 phần trăm, trong khi tỷ lệ tham gia bầu cử "chỉ" lên đến 98,78 phần trăm! Phải biết rằng 1,15 phần trăm phiếu chống hay không hợp lệ là kỷ lục cao nhất trong trọn bốn thập niên CHDCĐ, là một sự "nhượng bộ" không tưởng tượng được của nhà cầm quyền trước phong trào đấu tranh dân quyền đang lên cao từ trước cuộc bầu cử, trong bối cảnh Perestroika và Glasnost đang diễn ra đến cao điểm trong lòng khối Đông Âu. Ấy vậy mà rất đông dân chúng CHDCĐ vẫn một mực muốn làm cho ra lẽ, họ vây quanh các phòng phiếu suốt đêm để kiểm tra việc đếm phiếu, sau đó lại truyền miệng, chuyền tay nhau về sự khác biệt kết quả và còn đưa đơn kiện gian lận bầu cử ở khắp các tỉnh thành Đông Đức. Và bất chấp lực lượng an ninh ngăn cản, giải tán, bắt bớ với quy chụp là phá hoại (kết quả) bầu cử, các cuộc biểu tình ngày 07/06, 07/07 và sau đó đã gây tiếng vang và lôi kéo thêm đông đảo các bộ phận quần chúng khắp nơi.
Tất cả đã góp thêm vào cơn bão mùa thu thổi sập bức tường chia cắt nước Đức không lâu sau đó. Và rồi công sức đấu tranh của phong trào dân quyền khởi sự từ những ngày tháng năm năm đó cuối cùng cũng được đền đáp một phần: những người có trách nhiệm trong ủy ban bầu cử 1989 sau này đã bị đem ra xét xử. Tuy hình phạt chỉ rất tượng trưng là phạt tiền và tù treo, nhưng họ đã bị kết án do chính điều 211 của bộ luật hình sự CHDCĐ: nghiêm cấm gian lận bầu cử bằng mọi hình thức.
Có thể nào việc bầu bán trò hề - khi nào đó - chính là giọt nước làm tràn miệng ly?
Tham khảo
- Karsten Timmer, Vom Aufbruch zum Umbruch: die Bürgerbewegung in der DDR 1989, Luận án TS, Nxb Vandenhoeck & Ruprecht, Göttingen 2000
- Robert Grünbaum, Deutsche Einheit, Beiträge zur Politik und Zeitgeschichte, Nxb Leske & Budrich, 2000