Một cháu gái đến cạnh bên nói nhỏ, mẹ con không đến được, nhưng có con đi đây. Hai anh bạn trẻ nhà báo đến từ rất xa vừa chụp ảnh, đưa hình, vừa cùng đứng giương cao biểu ngữ. Một người anh quen biết đã gần 30 năm, bình thường bận bịu mưu sinh chưa bao giờ tham gia sinh hoạt cộng đồng, hôm nay bỗng có mặt từ phút đầu đến phút cuối. Một người Đức thấp bé đeo ba-lô mồ hôi nhễ nhại đứng giăng một đầu biểu ngữ suốt thời gian ở Odeonsplatz, không ngờ chỉ là một khách qua đường, tươi cười giao lại cột biểu ngữ với lời chúc thành công. Một em bận áo dài màu rượu chát là biểu hiện của sự nhiệt tình tuổi trẻ, tà áo em bay đến đâu là trên tay bộ hành ở đó có một truyền đơn.
Có những động viên thật bất ngờ. Hai du khách đứng tuổi khuyến khích, các anh làm rất đúng, ngay ở quảng trường này gần 80 năm trước đã bắt đầu một chính sách bành trướng mà anh biết kết quả ra sao rồi đó, phải chận ngay cái nguy cơ từ Trung Quốc này lại! Một đôi vợ chồng người Ý nhìn bản đồ và nhận xét Việt Nam cũng như Ý, người ta lấy mất biển tức là lấy luôn cả cuộc sống. Một cô gái tóc vàng bảo tối nay có người bạn từ Hồng Kông sang chơi nhân Oktoberfest, cô sẽ đặt vấn đề với cô bạn của cô. Một bà già dừng xe đạp lại trước đoàn biểu tình và tấm tắc, người Việt Nam các anh thật thân thiện, mà áo dài đủ màu sắc đẹp quá. Hai người dáng Á châu đi ngang bảo, ô thôi anh khỏi kể tiếp, tụi tôi người Mã Lai đây, có lạ gì chuyện này đâu, chúc các anh thành công.
Khó có thể đoán con người qua bề ngoài. Một phụ nữ thật xinh đẹp và sang trọng từ Dallmayr đi ra, đứng đọc truyền đơn chăm chú, nghiêm mặt bảo các anh còn quên không kể là họ còn dã tâm phá hủy cả con sông Mê Kông với bao nhiêu đập thủy điện ở đầu nguồn, cái hại này sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nữa! Ký tên xong, bà ta lôi cả chồng đến ký. Một ông xâm đầy tay, lắc đầu nói rồi cũng không ngăn được gì đâu, nhưng đúng rồi, phải lên tiếng chứ! Hai ông bà đứng tuổi kiên nhẫn chờ hồi chuông ở Marienplatz chấm dứt để nghe phát biểu, ông chồng nói đừng tự ái nhé, tôi là người Bắc Ái Nhĩ Lan và dạy tiếng Anh ở đây, thấy trên biểu ngữ của các anh có mấy lỗi chính tả đó. Bà vợ quay lại, thôi ông ơi, nghe phát biểu kìa, họ làm vậy là hay lắm rồi, tôi viết tiếng Anh cũng không khá hơn đâu.
Cũng có vài giọng nói hằn học cho bức tranh thêm tương phản. Một đồng hương tóc bạc với vẻ mặt hầm hầm, anh là anh T. đó hả, tôi không lấy thứ gì anh đưa hết! Một phụ nữ Trung Quốc đi ngang, nhảy xổ vào chỉ hàng chữ trên biểu ngữ la lớn, những đảo này là của Trung Quốc, các anh không có quyền rêu rao như vậy! Phải cảm phục bà ta, một mình dũng cảm đến trước đám đông người Việt nói thẳng quan điểm của mình. Nhưng người Việt chúng ta rõ ràng có thua kém đâu.
Phần nhỏ của tôi đọc lời phát biểu của một người bạn Đức từ xa được các anh chị khen là "có lửa". Tôi rất hãnh diện và sung sướng về lời khen, nhưng lửa đó chính là từ tất cả các cô chú, các anh chị, các em các cháu truyền sang từ buổi biểu tình đó! Và lửa đó tôi sẽ giữ mãi trong trong lòng, ngày nào còn sống và còn biết mình là người Việt Nam.
18.09.2011
(*) lời bài hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang, đã vang lên suốt buổi biểu tình
No comments:
Post a Comment