24 July 2008

Tâm tình nhà viết sử

Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.

Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình.

[467 trang]

Việc chép lịch-sử cũng như việc dệt vải dệt lụa, dệt xong tấm nào mới biết tấm ấy tốt hay xấu, còn tấm đang dệt, chưa biết thế nào mà nói được.

Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt tấm Nam-sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công-việc, nhưng còn mong có ngày khỏe mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn cũng chưa biết chừng.

Mặc dù nước Việt-nam hiện nay được hoàn toàn độc-lập nhưng sự hay-dở tương-lai chưa biết ra thế nào? Song người bản-quốc phải biết rằng phàm sự sinh-tồn tiến-hóa của một nước, là ở cái chí-nguyện, sự nhẫn-nại và sự cố-gắng của người trong nước. Vậy ta phải hết sức mà học-tập, mà giữ cái tâm-trí cho bền-vững thì chắc tương-lai còn nhiều hi-vọng. Nước Việt-nam ta đã có cái văn-hóa chẳng thua-kém gì ai, và lại có một lịch-sử vẻ-vang, nếu ta biết lợi-dụng cái tiềm-lực cố hữu và cái tính thông-minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến-hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch-sử mỹ-lệ hơn trước?

Có một điều thiết-tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta đã có, bỏ những điều hủ-bại đi, và bắt-chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân-cách đặt-biệt của dân-tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân-biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền-hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu-quả mỹ-mãn.

Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công-lệ tuần-hoàn của tạo-hóa trong thế-gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị-lực để sinh-tồn và tiến-hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn-khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng-dõi nhà Hồng-Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa-vị vẻ-vang với thiên-hạ hay sao? Sự ước-ao mong-mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng-loại Việt-nam ta vậy.

Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953)
Việt Nam Sử Lược, 1919
(trích lời tựa và lời kết)


Việt Nam Sử Lược là bộ sử Việt Nam (từ thời Thượng cổ đến khởi đầu cuộc chiến Đông dương) đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được xuất bản và tái bản nhiều lần từ năm 1921.

08 July 2008

Có chí thì nên?

Phải quyết tâm đạt cho kỳ được mục đích! Kiên trì theo đuổi con đường đã vạch ra! Bất cứ giá nào cũng không để lung lạc tinh thần, hoàn thành cho bằng được chương trình hoạch định! Người ta thường nêu ra những khuôn vàng thước ngọc đại loại như thế, không trích dẫn thực sự thì cũng gá vào miệng những tên tuổi chói lọi trên trường đời. Và người nghe thường vẫn thấy xuôi tai vô cùng, có thực thi cho chính mình hay không thì vẫn cứ cho là chân lý, nhất là khi những thông điệp kiểu này được liên kết với những tấm gương thành đạt hay danh vọng trong xã hội. Mà chúng lại là những phương châm đa năng, đa dụng nữa chứ. Chẳng phải chỉ hữu ích cho chính trị, học thuật mà cả trong chiến tranh, thể thao hay ngay đến chuyện ...tu hành cũng tốt nốt. Và chẳng phải chỉ được đề cao ở cái tiểu quốc nho nhỏ nhìn ra Thái Bình Dương với hơn bốn ngàn năm duy ý chí mà là khắp nơi trên quả đất này, từ Đông sang Tây, cả khi con người ta chập chững bay vào vũ trụ cũng vẫn ngoái đầu lại dặn dò đồng loại như thế!

Công thức nghe qua hợp lý vô cùng. Không quản ngại gian khó, bền lòng vững chí vượt qua mọi thất bại, thử thách, kiên tâm theo đuổi tới cùng thì ắt sẽ đạt được mục đích. Nhưng có thật là như vậy không? Có phải với sự quyết tâm và ý chí sắt đá thì ai cũng sẽ về đến đích không? Một người chạy việt dã chẳng hạn có thể cảm nghiệm là ý chí đúng là rất cần. Nhưng ý chí chỉ giúp ích được khi thể chất cũng đầy đủ cho quãng đường 42 cây số phải vượt qua. Thiếu thể chất thì ý chí có vững chắc đến đâu cũng không làm tăng được lòng tự tin mà nhiều lắm là chỉ đánh tráo vào đó sự tự lừa dối bản thân. Và chính sự quyết tâm khi đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến ngã quỵ trước khi về đến đích.

Thật ra chẳng có gì mới lạ cả. Con người ta từ cổ chí kim vẫn chạy đường trường trên cái lối mòn này. Tự đặt ra cho mình mục đích và kiên trì quyết đạt đến đó. Bù lại - và cũng chính từ đó mà ra? - xã hội loài người vẫn luôn trọng vọng những ai đạt được mục đích của mình, và mục đích càng cao xa lại càng thêm vinh dự. Leo đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Gồm thu thiên hạ. Đoạt giải Nobel. Phá kỷ lục thế giới. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ khi vươn quá tầm thì mới được vỗ tay. Cái chính yếu và được đề cao vẫn là cái quyết tâm, chừng nào còn bền gan trên đường, cho dù đã thất thểu hay chỉ còn thoi thóp, thì tệ lắm cũng vẫn được người đời khen tặng là có chí hướng, có nghị lực. Toàn cảnh đoàn người chạy việt dã kia không khác gì một nhân loại thu nhỏ. Những người chạy quyết tâm vượt quãng đường dài thử thách trong tiếng hò reo cổ động bên đường. Số người về đến đích vung tay chiến thắng, khẳng định rằng chính ý chí đã giúp họ. Còn số người không về đến đích? Ban tổ chức và khán giả rất sẵn lòng tuyên dương nghị lực sắt đá của những người kiệt sức ngã quỵ giữa đường, và vinh danh những người trong bọn họ đã vĩnh viễn nằm lại. Nhưng không ai chấp nhận chuyện tự bỏ cuộc, hay đúng hơn xem số người này như không có, hay ít nhất là không nhìn nhận họ đã tham gia.

Văn hóa con người vốn chỉ quảng bá và đề cao sự kiên cường. Chúng ta đều được dạy từ lúc nằm nôi là một khi đã quyết định hướng đi và mục tiêu thì nhất định phải vững lòng theo đuổi đến cùng. Phải theo đuổi cho đến khi thắng lợi vẻ vang hay thất bại hào hùng, nhưng chúng ta tuyệt không được dạy cách rút lui kịp thời, cách bỏ cuộc đúng lúc. Sa lầy trong cuộc chiến? Vẫn bền gan bám trụ, chôn vùi thêm bao nhiêu sinh mạng cũng mặc kệ. Dự án ngày càng đòi hỏi chi phí cao hơn gấp mấy lần dự kiến? Tiếp tục bơm thêm tiền của, công sức vào dù có nguy cơ phá sản đi nữa. Ngay cả trong khoa học tự nhiên cũng vậy, "khi người ta đã chìm đắm vào một ý tưởng nào đó hơn nửa năm ròng thì không thể nào dứt bỏ ra được nữa", như Albert Einstein đã nói[1].

Để lập trường bị lung lạc hay mất niềm tin đã là tệ hại, xét lại mục tiêu hay đường hướng đã đặt ra - cho dù trên cơ sở nào cũng vậy - thì quả là phạm vào tối kỵ. Điều này nghe chừng như chỉ là một sự ràng buộc về văn hóa hay xã hội, song thực sự lại có vẻ được đóng khuôn sẵn trong tâm lý và tư duy con người, như một khảo sát mới đây vừa minh chứng[2]. Theo đó, chính những người có khả năng lý luận sâu sắc lại là những người ít sẵn sàng tự chuyển đổi cách nhìn. Trái lại, họ là thành phần bám víu mạnh mẽ nhất vào đường hướng đã từng lựa chọn. Nhìn lại thế kỷ vừa qua, điều này có phần giải thích được tại sao nhân loại đã tiến những bước rất dài trong khoa học, kỹ thuật và trong nghiên cứu xã hội, nhân văn, nhưng cùng lúc đã gây ra nhiều sai lầm cơ bản trong vai trò một loài sinh vật sống trên quả đất này.

Lẽ nào con người ta lại tâm niệm cuộc sống chỉ là những quãng đường việt dã nối tiếp, và đã lên thì không thể dừng hay quay lại?

-------------

1. thư gửi Michele Besso, bạn thân từ thời sinh viên ở Thụy Sĩ
2. “When Thinking Rationally Increases Biases", Applied Psychology 57 (2), 246–271, 2008

02 July 2008

Tôi ơi! Ta ơi!

Tôi với ta đến với thơ Việt dù chưa được bao lâu nhưng cũng không mấy ai còn rõ là vào thời điểm chính xác nào. Chỉ biết là cùng lúc với phong trào Thơ Mới đầu thế kỷ trước, những tôi cùng ta đã lồ lộ xuất hiện khắp nơi. Nói vậy không có nghĩa là tâm trạng của những Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay cả Nguyễn Du đưa vào lời thơ chưa toát lên tính cách cá nhân hay không hàm chứa tâm tình riêng tư. Thực ra, thơ cổ vẫn kết hợp thành công tâm tư tác giả với nhân sinh thế sự để thể hiện cái chân chất của tình cảm hay tư tưởng mà không cần đưa tôi hay ta lồ lộ ra ngoài.


Nhưng có tôi, có ta thì dù sao vẫn gần gũi hơn:

Em yêu tôi và ta yêu nhau
Tôi lại say như buổi hạ đầu

(Duyên phượng hoa - Đinh Hùng)

Tôi - và hy vọng là cả em - có trong ta, trong ta có tôi (và em). Có vẻ rõ ràng đó nhưng lại không đơn giản chút nào.

Có lẽ một phần vì đã là tôi thì không dễ gì nắm bắt, dù là tự mình hay do người khác. Tôi hôm nay có thể vẫn là tôi ngày xưa, giữ nguyên không dời đổi:

Thu vẫn thu của Hà Nội năm nào
Tôi vẫn tôi của một thời tuổi trẻ

(Tôi có một mùa thu Hà Nội - Diệp Minh Tuyền)

nhưng cũng có thể tôi ngày mai lại khác hẳn tôi hôm nay:

Mai kia tôi không còn chút thì giờ làm thơ
Chép tặng em từng trang
Dẫu lúc ấy tôi chẳng là tôi nữa

(Bài thơ ban mai - Hoàng Vũ Thuật)

Hay là cũng như vạn vật chung quanh, dù xôn xao hay tĩnh lặng, và ngay cả khi tưởng chừng đã khuất lấp, tôi vẫn không ngừng biến hóa, mỗi thời điểm mỗi khác đi, tuy mới thoạt nhìn không chắc đã nhận ra?

Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này

(Đi thuyền - Xuân Diệu)

Đó là tôi, tôi chủ thể của sống, yêu, cho, nhận, ... kể sao cho hết. Từ tôi đi đến cái tôi là cả một quãng đường, tương đối ngắn đối với mỗi một tôi từ ngày bước đi chập chững nhìn thấy mình lần đầu trong gương, nhưng tương đối dài khi nói chung về con đường tiến đến nhận thức khái niệm này. Bởi cái tôi thực sự rối rắm. Và thông thường thì người ta cho rằng "tôi không phải là cái tôi" (le je n'est pas le moi) như học thuyết kinh điển của nhà phân tâm học Jacques Lacan khẳng định. Mà thật, khác với tôi - tuy vẫn lắm khi có vẻ mờ mịt, vô hình:

Tôi là ai, là ai, là ai
Mà yêu quá đời này?

(Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn)

cái tôi xem ra lại là một cái gì đó thường có chiều hướng được nhào nặn, gọt giũa, tô vẽ, đánh bóng, rồi tùy lúc mà trương to ra hay co thắt lại, lộn ra ngoài hay giấu vào trong, cốt để tiện bề sử dụng:

Ngỡ thắng rồi bỗng thấy thua
Cái tôi sấp ngửa cho vừa cuộc chơi

(Đi qua trăm đỉnh mưa rào - Mường Mán)

hay chỉ tự nằm lẩn quất đâu đó, nhạt mờ, chìm lắng nhưng không tan biến, hòa đồng:

Đón đợi vườn ta mấy mùa bỏ vắng
Ý sương mờ rêu phủ gốc cây tang
Những lá khô, trái thối, những hoa tàn
Pho sách bịt bùng, cái tôi kín mít

(Những con chim - Tế Hanh)

Cho nên lý tưởng lắm thì có vẻ như cái tôi và tôi lúc nào cũng chỉ là những thứ tiệm cận nhau, trùng hợp hẳn hay trở thành một thì hoàn toàn không thể. Đó là chưa kể còn lắm thứ chôn vùi trộn lẫn trong đó nữa:

Khi tôi và tôi khác màu
Tôi ngửi thấy mùi tiềm thức

(Ngửi - Nguyễn Thế Hoàng Linh)

nhưng vẫn đủ để khi cần thì phân định rạch ròi:

Đêm rất em
Và riêng rất tôi

(Mùa nguyệt thực - Nguyễn Phước Nguyên)

Trở lại với tôi và ta. Tôi là một phần của ta, nhưng có khi ta chỉ đơn thuần là một cách bộc bạch về tôi trên giao diện với thế gian, từ tương phản đi đến chính mình bằng con đường tin cậy nhất:

Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường

(Đoá hoa vô thường - Trịnh Công Sơn)

Cái tôi và cái ta cũng vậy, để tìm về tôi và ta thì chúng có khi lại là rào cản ôm chặt lấy mình, không khó tháo gỡ nhưng không dễ buông ra:

Thả bộ váy cho đất, thả gương mặt cho trời
Thả cái tôi, thả cái ta
Thở hồn nhiên đồi thông Đại Lào
Để lại dấu chân không

(Thở trên rừng Đại Lào - Phan Trung Thành)

Nhưng dù vậy, đâu đó vẫn còn chút hy vọng dấy lên từ những người đi trước:

Cuộc trở về êm như bản nhạc
Đường về tạo lấy bằng thơ
Vì ta vẫn là ta dầu nghiêng lệch bơ phờ
Núi vẫn nhận ra nhau
Suối không hề oán trách

(Trở về - Vũ Hoàng Chương)

Cảm ơn tất cả những tôi và ta vậy.