Tôi với ta đến với thơ Việt dù chưa được bao lâu nhưng cũng không mấy ai còn rõ là vào thời điểm chính xác nào. Chỉ biết là cùng lúc với phong trào Thơ Mới đầu thế kỷ trước, những tôi cùng ta đã lồ lộ xuất hiện khắp nơi. Nói vậy không có nghĩa là tâm trạng của những Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay cả Nguyễn Du đưa vào lời thơ chưa toát lên tính cách cá nhân hay không hàm chứa tâm tình riêng tư. Thực ra, thơ cổ vẫn kết hợp thành công tâm tư tác giả với nhân sinh thế sự để thể hiện cái chân chất của tình cảm hay tư tưởng mà không cần đưa tôi hay ta lồ lộ ra ngoài.
Nhưng có tôi, có ta thì dù sao vẫn gần gũi hơn:
Em yêu tôi và ta yêu nhau
Tôi lại say như buổi hạ đầu
(Duyên phượng hoa - Đinh Hùng)
Tôi - và hy vọng là cả em - có trong ta, trong ta có tôi (và em). Có vẻ rõ ràng đó nhưng lại không đơn giản chút nào.
Có lẽ một phần vì đã là tôi thì không dễ gì nắm bắt, dù là tự mình hay do người khác. Tôi hôm nay có thể vẫn là tôi ngày xưa, giữ nguyên không dời đổi:
Thu vẫn thu của Hà Nội năm nào
Tôi vẫn tôi của một thời tuổi trẻ
(Tôi có một mùa thu Hà Nội - Diệp Minh Tuyền)
nhưng cũng có thể tôi ngày mai lại khác hẳn tôi hôm nay:
Mai kia tôi không còn chút thì giờ làm thơ
Chép tặng em từng trang
Dẫu lúc ấy tôi chẳng là tôi nữa
(Bài thơ ban mai - Hoàng Vũ Thuật)
Hay là cũng như vạn vật chung quanh, dù xôn xao hay tĩnh lặng, và ngay cả khi tưởng chừng đã khuất lấp, tôi vẫn không ngừng biến hóa, mỗi thời điểm mỗi khác đi, tuy mới thoạt nhìn không chắc đã nhận ra?
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này
(Đi thuyền - Xuân Diệu)
Đó là tôi, tôi chủ thể của sống, yêu, cho, nhận, ... kể sao cho hết. Từ tôi đi đến cái tôi là cả một quãng đường, tương đối ngắn đối với mỗi một tôi từ ngày bước đi chập chững nhìn thấy mình lần đầu trong gương, nhưng tương đối dài khi nói chung về con đường tiến đến nhận thức khái niệm này. Bởi cái tôi thực sự rối rắm. Và thông thường thì người ta cho rằng "tôi không phải là cái tôi" (le je n'est pas le moi) như học thuyết kinh điển của nhà phân tâm học Jacques Lacan khẳng định. Mà thật, khác với tôi - tuy vẫn lắm khi có vẻ mờ mịt, vô hình:
Tôi là ai, là ai, là ai
Mà yêu quá đời này?
(Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn)
cái tôi xem ra lại là một cái gì đó thường có chiều hướng được nhào nặn, gọt giũa, tô vẽ, đánh bóng, rồi tùy lúc mà trương to ra hay co thắt lại, lộn ra ngoài hay giấu vào trong, cốt để tiện bề sử dụng:
Ngỡ thắng rồi bỗng thấy thua
Cái tôi sấp ngửa cho vừa cuộc chơi
(Đi qua trăm đỉnh mưa rào - Mường Mán)
hay chỉ tự nằm lẩn quất đâu đó, nhạt mờ, chìm lắng nhưng không tan biến, hòa đồng:
Đón đợi vườn ta mấy mùa bỏ vắng
Ý sương mờ rêu phủ gốc cây tang
Những lá khô, trái thối, những hoa tàn
Pho sách bịt bùng, cái tôi kín mít
(Những con chim - Tế Hanh)
Cho nên lý tưởng lắm thì có vẻ như cái tôi và tôi lúc nào cũng chỉ là những thứ tiệm cận nhau, trùng hợp hẳn hay trở thành một thì hoàn toàn không thể. Đó là chưa kể còn lắm thứ chôn vùi trộn lẫn trong đó nữa:
Khi tôi và tôi khác màu
Tôi ngửi thấy mùi tiềm thức
(Ngửi - Nguyễn Thế Hoàng Linh)
nhưng vẫn đủ để khi cần thì phân định rạch ròi:
Đêm rất em
Và riêng rất tôi
(Mùa nguyệt thực - Nguyễn Phước Nguyên)
Trở lại với tôi và ta. Tôi là một phần của ta, nhưng có khi ta chỉ đơn thuần là một cách bộc bạch về tôi trên giao diện với thế gian, từ tương phản đi đến chính mình bằng con đường tin cậy nhất:
Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường
(Đoá hoa vô thường - Trịnh Công Sơn)
Cái tôi và cái ta cũng vậy, để tìm về tôi và ta thì chúng có khi lại là rào cản ôm chặt lấy mình, không khó tháo gỡ nhưng không dễ buông ra:
Thả bộ váy cho đất, thả gương mặt cho trời
Thả cái tôi, thả cái ta
Thở hồn nhiên đồi thông Đại Lào
Để lại dấu chân không
(Thở trên rừng Đại Lào - Phan Trung Thành)
Nhưng dù vậy, đâu đó vẫn còn chút hy vọng dấy lên từ những người đi trước:
Cuộc trở về êm như bản nhạc
Đường về tạo lấy bằng thơ
Vì ta vẫn là ta dầu nghiêng lệch bơ phờ
Núi vẫn nhận ra nhau
Suối không hề oán trách
(Trở về - Vũ Hoàng Chương)
Cảm ơn tất cả những tôi và ta vậy.
02 July 2008
Tôi ơi! Ta ơi!
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
1 comment:
Đọc bài bạn viết, thấy tiếng Việt phong phú quá, nhất là trong ngôn ngữ lãng mạn.
Ngoài ta và tôi, tiếng Việt còn có tớ nữa. Đó không phải là ngôn ngữ lãng mạn, nhưng để bày tỏ cái ngông của mình:
Mai không tên tớ, tớ đi ngay
Giỗ tết từ nay nhớ đến ngày
(Tú Xương)
Còn về chữ ta trong văn chương, tôi nhớ vài vần thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585):
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Post a Comment