08 July 2008

Có chí thì nên?

Phải quyết tâm đạt cho kỳ được mục đích! Kiên trì theo đuổi con đường đã vạch ra! Bất cứ giá nào cũng không để lung lạc tinh thần, hoàn thành cho bằng được chương trình hoạch định! Người ta thường nêu ra những khuôn vàng thước ngọc đại loại như thế, không trích dẫn thực sự thì cũng gá vào miệng những tên tuổi chói lọi trên trường đời. Và người nghe thường vẫn thấy xuôi tai vô cùng, có thực thi cho chính mình hay không thì vẫn cứ cho là chân lý, nhất là khi những thông điệp kiểu này được liên kết với những tấm gương thành đạt hay danh vọng trong xã hội. Mà chúng lại là những phương châm đa năng, đa dụng nữa chứ. Chẳng phải chỉ hữu ích cho chính trị, học thuật mà cả trong chiến tranh, thể thao hay ngay đến chuyện ...tu hành cũng tốt nốt. Và chẳng phải chỉ được đề cao ở cái tiểu quốc nho nhỏ nhìn ra Thái Bình Dương với hơn bốn ngàn năm duy ý chí mà là khắp nơi trên quả đất này, từ Đông sang Tây, cả khi con người ta chập chững bay vào vũ trụ cũng vẫn ngoái đầu lại dặn dò đồng loại như thế!

Công thức nghe qua hợp lý vô cùng. Không quản ngại gian khó, bền lòng vững chí vượt qua mọi thất bại, thử thách, kiên tâm theo đuổi tới cùng thì ắt sẽ đạt được mục đích. Nhưng có thật là như vậy không? Có phải với sự quyết tâm và ý chí sắt đá thì ai cũng sẽ về đến đích không? Một người chạy việt dã chẳng hạn có thể cảm nghiệm là ý chí đúng là rất cần. Nhưng ý chí chỉ giúp ích được khi thể chất cũng đầy đủ cho quãng đường 42 cây số phải vượt qua. Thiếu thể chất thì ý chí có vững chắc đến đâu cũng không làm tăng được lòng tự tin mà nhiều lắm là chỉ đánh tráo vào đó sự tự lừa dối bản thân. Và chính sự quyết tâm khi đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến ngã quỵ trước khi về đến đích.

Thật ra chẳng có gì mới lạ cả. Con người ta từ cổ chí kim vẫn chạy đường trường trên cái lối mòn này. Tự đặt ra cho mình mục đích và kiên trì quyết đạt đến đó. Bù lại - và cũng chính từ đó mà ra? - xã hội loài người vẫn luôn trọng vọng những ai đạt được mục đích của mình, và mục đích càng cao xa lại càng thêm vinh dự. Leo đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Gồm thu thiên hạ. Đoạt giải Nobel. Phá kỷ lục thế giới. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ khi vươn quá tầm thì mới được vỗ tay. Cái chính yếu và được đề cao vẫn là cái quyết tâm, chừng nào còn bền gan trên đường, cho dù đã thất thểu hay chỉ còn thoi thóp, thì tệ lắm cũng vẫn được người đời khen tặng là có chí hướng, có nghị lực. Toàn cảnh đoàn người chạy việt dã kia không khác gì một nhân loại thu nhỏ. Những người chạy quyết tâm vượt quãng đường dài thử thách trong tiếng hò reo cổ động bên đường. Số người về đến đích vung tay chiến thắng, khẳng định rằng chính ý chí đã giúp họ. Còn số người không về đến đích? Ban tổ chức và khán giả rất sẵn lòng tuyên dương nghị lực sắt đá của những người kiệt sức ngã quỵ giữa đường, và vinh danh những người trong bọn họ đã vĩnh viễn nằm lại. Nhưng không ai chấp nhận chuyện tự bỏ cuộc, hay đúng hơn xem số người này như không có, hay ít nhất là không nhìn nhận họ đã tham gia.

Văn hóa con người vốn chỉ quảng bá và đề cao sự kiên cường. Chúng ta đều được dạy từ lúc nằm nôi là một khi đã quyết định hướng đi và mục tiêu thì nhất định phải vững lòng theo đuổi đến cùng. Phải theo đuổi cho đến khi thắng lợi vẻ vang hay thất bại hào hùng, nhưng chúng ta tuyệt không được dạy cách rút lui kịp thời, cách bỏ cuộc đúng lúc. Sa lầy trong cuộc chiến? Vẫn bền gan bám trụ, chôn vùi thêm bao nhiêu sinh mạng cũng mặc kệ. Dự án ngày càng đòi hỏi chi phí cao hơn gấp mấy lần dự kiến? Tiếp tục bơm thêm tiền của, công sức vào dù có nguy cơ phá sản đi nữa. Ngay cả trong khoa học tự nhiên cũng vậy, "khi người ta đã chìm đắm vào một ý tưởng nào đó hơn nửa năm ròng thì không thể nào dứt bỏ ra được nữa", như Albert Einstein đã nói[1].

Để lập trường bị lung lạc hay mất niềm tin đã là tệ hại, xét lại mục tiêu hay đường hướng đã đặt ra - cho dù trên cơ sở nào cũng vậy - thì quả là phạm vào tối kỵ. Điều này nghe chừng như chỉ là một sự ràng buộc về văn hóa hay xã hội, song thực sự lại có vẻ được đóng khuôn sẵn trong tâm lý và tư duy con người, như một khảo sát mới đây vừa minh chứng[2]. Theo đó, chính những người có khả năng lý luận sâu sắc lại là những người ít sẵn sàng tự chuyển đổi cách nhìn. Trái lại, họ là thành phần bám víu mạnh mẽ nhất vào đường hướng đã từng lựa chọn. Nhìn lại thế kỷ vừa qua, điều này có phần giải thích được tại sao nhân loại đã tiến những bước rất dài trong khoa học, kỹ thuật và trong nghiên cứu xã hội, nhân văn, nhưng cùng lúc đã gây ra nhiều sai lầm cơ bản trong vai trò một loài sinh vật sống trên quả đất này.

Lẽ nào con người ta lại tâm niệm cuộc sống chỉ là những quãng đường việt dã nối tiếp, và đã lên thì không thể dừng hay quay lại?

-------------

1. thư gửi Michele Besso, bạn thân từ thời sinh viên ở Thụy Sĩ
2. “When Thinking Rationally Increases Biases", Applied Psychology 57 (2), 246–271, 2008

No comments: