13 August 2008

Bồ tát Nam Kinh


Đây đó vẫn còn những câu chuyện cổ tích đáng ghi. Như câu chuyện về nhân vật John Rabe mà dân chúng Nam Kinh một thời gọi là Phật sống, và mới đây vừa được dựng thành phim. Chỉ có điều, cái gì đã nghe giống như cổ tích thì tất nhiên chẳng mấy ai nghĩ là có thật. Có lẽ vì vậy nên một vài bài báo điện ảnh Việt Nam - bên cạnh những chuyện hậu trường éo le về các diễn viên đóng phim trên - còn cho là truyện phim được dàn dựng theo tiểu thuyết!

Thật ra thì câu chuyện cổ tích thời đại này hoàn toàn có thật. Và thật ra John Rabe sinh ra hoàn toàn không phải để làm nên cổ tích, và thánh thiện như Phật thì lại càng không. Là một người Đức chính tông sinh trưởng ở Hamburg nhưng cho đến khi xảy ra vụ thảm sát Nam Kinh cuối năm 1937 Rabe đã sống và làm việc ở Trung quốc vừa vặn ba thập kỷ. Và trên trọn quãng đường 55 tuổi đời đến đó, ông ta vẫn là một con người rất đỗi bình thường. Vẫn theo đuổi danh lợi trong vai trò một doanh nhân khá thành đạt - Rabe là tổng đại diện của tập đoàn Siemens ở Nam Kinh - và vẫn đầy sân si trong cuộc sống hàng ngày như những người từng quen biết ông kể lại. Và "khó xử" nhất cho người đời sau là từ 1934 và ở tận Nam Kinh xa xôi, Rabe đã tự nguyện gia nhập Đảng Quốc xã Đức, và ít nhất là trong thời gian ở Trung quốc, lúc nào ông cũng ra mặt tán dương và đề cao lãnh tụ Hitler!

Khác với dịch SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính) bùng nổ và lan tràn bất ngờ vào cuối năm 2002, quân phiệt Nhật tuần tự tiến chiếm lãnh thổ Trung quốc từ tận những năm đầu thập niên 1930. Hè 1937 Thượng hải rơi vào tay họ và vài tháng sau đó đến lượt Nam Kinh, thủ đô của Trung quốc lúc bấy giờ (tức Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch). Nhưng cũng như vào thời dịch SARS sau này, khi quân Nhật đã đến cửa ngõ Nam Kinh vào tháng 11 1937, hầu như người nước ngoài ai nấy đều hối hả khăn gói ra đi. Tin đồn về những hành động bạo tàn của lính Nhật trên đường tiến quân lan đến từ khắp nơi. Phi cơ Nhật bắn phá không chừa một mục tiêu dân sự nào. John Rabe và một số ít kiều dân Anh, Mỹ đã quyết định cùng ở lại Nam Kinh. Không phải chỉ ở lại mà họ còn cùng nhau lập ra một khu vực rộng khoảng 4 cây số vuông tự mệnh danh là dưới quyền kiểm soát quốc tế, dưới tên gọi là Nam Kinh An Toàn Khu (Nanking Safety Zone), cho gần 300.000 dân chúng Nam Kinh và các nơi vào lánh nạn, với hy vọng danh nghĩa này sẽ cản bước lính Nhật bạo hành. Được bầu làm chủ tịch khu vực này, Rabe lao vào tổ chức cứu trợ, gom góp thực phẩm và thuốc men phân phát cho người tỵ nạn. Ông mở luôn cửa nhà riêng cho hơn 600 người vào ẩn náu. Giữa vườn, ông cho căng một lá cờ Đức quốc xã thật lớn để phi cơ Nhật chừa ra không oanh kích. Thời gian này, tuy chưa khởi sự chiến tranh thế giới nhưng Đức quốc xã đã ký hiệp ước đồng minh với Nhật. Giữa tháng 12, quân Nhật tiến vào Nam Kinh và điều dự đoán đã trở thành sự thật kinh hoàng. Trong những tuần lễ sau đó, binh lính Nhật gây ra cuộc thảm sát bi thương nhất lịch sử cổ kim bên bờ sông Dương tử. Lính Nhật bắn xối xả vào dân chúng, thi đua chặt đầu, mổ bụng, hãm hiếp, hỏa thiêu, nhận nước, chôn sống, hành hạ nạn nhân của họ bằng đủ cách cho đến chết. Họ giết người như trò tiêu khiển, bất kể già trẻ lớn bé. Tiếng van xin, kêu khóc vang trời, đường xá ngập xác người, đất nhuộm đỏ màu máu. Con số nạn nhân được ước lượng sau này cũng nói lên phần nào sự khủng khiếp đó: khoảng 300.000 người bị giết (nhiều hơn số người thiệt mạng bởi hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki cộng lại), bên cạnh hàng chục ngàn phụ nữ bị hãm hiếp.

Những ngày sau đó, phần lớn những người cộng tác với Rabe lần lượt bỏ đi, một số đã đem theo được phim ảnh làm bằng chứng cho tội ác tày trời này. Riêng Rabe vẫn kiên trì ở lại. Với vũ khí duy nhất là huy hiệu chữ vạn Đức quốc xã đeo trên tay, ông bất kể nguy hiểm tính mạng giành giật lại từng mạng sống từ tay binh lính Nhật tràn vào khu vực tỵ nạn mà ông quản lý.

Mãi đến tháng hai 1938, khi tình hình tạm lắng dịu và tập đoàn Siemens một lần nữa gửi công điện triệu hồi, Rabe mới miễn cưỡng trở về Đức. Mồng một Tết Mậu Dần cũng là ngày ông từ giã hàng hàng lớp lớp người được ông cứu mạng và cưu mang. Họ trao tặng ông một tấm lụa đỏ lớn, ghi lời tôn xưng Rabe là vị Bồ tát đã cứu vớt hàng trăm ngàn sinh mạng (theo ước tính của những người được Rabe che chở, có khoảng hơn 200.000 người dân Trung quốc đã thoát chết nhờ công lao của ông).

Câu chuyện cổ tích đến đây lẽ ra nên chấm dứt mới phải. Vì quãng đời sau đó của Rabe không kết thúc có hậu như trong cổ tích. Quay về Berlin, ông tổ chức diễn thuyết, chiếu phim, triển lãm hình ảnh về vụ thảm sát ở Nam Kinh. Ngây thơ về chính trị, ông còn viết thư và gửi tài liệu lên quốc trưởng Hitler yêu cầu can thiệp với lãnh đạo Nhật bản, không để những thảm kịch chiến tranh kia xảy ra nữa. Kết quả là mật thám Gestapo đã bắt giữ Rabe. Nhờ hãng Siemens vận động, ông được thả ra sau đó nhưng bị nghiêm cấm không được tiếp tục lưu hành hay đăng tải những sự kiện về vụ thảm sát. Cũng từ đó Rabe bị ruồng rẫy trong nội bộ Siemens, chỉ còn phận sự dịch bài vở tiếng Anh. Không những vậy, đối với người ngoài, Siemens hoàn toàn chối bỏ tên tuổi Rabe để khỏi bị liên lụy.

Sau chiến tranh, một phần cũng vì quá khứ đảng viên mà Rabe không được chính quyền quân quản Liên xô rồi sau đó là Anh chấp thuận ngay là đã "tẩy sạch" Quốc xã. Vì lý do này Siemens sa thải ông hẳn và gia đình ông lâm vào nghèo đói. Một thời gian sau đó, một số người dân Nam Kinh từng thọ ơn Rabe đã quyên góp gửi qua giúp đỡ, nhưng chỉ được chưa đầy một năm thì 1949 Trung hoa lục địa một lần nữa lại đổi chủ. Năm sau đó, vẫn trong cảnh túng thiếu, ông qua đời vì đột quị. Sau này, vào cùng thời gian mà Siemens bỏ ra hàng chục triệu Đức mã kỷ niệm 150 năm ngày thành lập thật linh đình, mộ của người cựu giám đốc thâm niên Rabe ở nghĩa trang Berlin vì không được gia hạn đúng kỳ nên đã bị giải tỏa. Gia đình ông chỉ còn lại tấm bia đơn sơ, nay đã được thỉnh về Nam Kinh làm đài tưởng niệm.

Nếu Oskar Schindler, cứu tinh của 1.200 người Do Thái, đã được cả thế giới biết đến qua cuốn phim Schindler's List từ năm 1993 thì mãi đến 1996, trong quá trình sưu tầm và biên khảo về vụ thảm sát Nam Kinh[1], Trương Thuần Như (Iris Shun-Ru Chang) mới có dịp đưa ra ánh sáng con người thật sự của vị Bồ tát Nam Kinh. Từ gia đình cháu nội của Rabe, cô đã tìm ra được hơn ngàn trang nhật ký của ông[2], ghi lại từng cảnh huống ông đã chứng kiến trong những ngày tháng bi thương đó. Nếu như Trương Thuần Như từ nhỏ đã bị ám ảnh về những chuyện khủng khiếp ở Nam Kinh mà cô hằng được nghe kể lại (tuy chính ông bà ngoại cô may mắn đã trốn thoát khỏi trước ngày thành phố thất thủ) thì những chuyện kinh hoàng mà cô thu thập được cho tác phẩm của mình - trong đó nhật ký của John Rabe đóng một phần không nhỏ - đã vĩnh viễn đè nặng lên tâm trí cô. Năm 2004, Trương Thuần Như tự kết liểu cuộc đời ở tuổi 36.

    -----------------------------------

    1. Iris Shun-Ru Chang: The Rape of Nanking: The Forgotten Holocaust of World War II, Nxb HarperCollins 1997
    Quyển sách này cho đến nay, dù đã được dịch ra tiếng Nhật, vẫn bị các thế lực cực hữu Nhật ngăn trở không cho xuất bản ở Nhật.


    2. Erwin Wickert (Ed.): John Rabe. Der gute Deutsche von Nanking, Nxb DVA, 1997
    Erwin Wickert là bạn vong niên của John Rabe từ những ngày sinh viên ở Nam Kinh, sau này từng làm đại sứ Đức ở Trung Quốc.

No comments: