Tôi thật không mấy rành các khuôn mặt chính trị bên xứ Mỹ, và cũng không mong đợi ai sẽ vào ghế nào mà làm chi. Dù vậy, có một cái tên mà khi nghe qua tôi bỗng nhớ lại và liên tưởng đến nhiều chuyện. Chuyện tuổi trẻ, chuyện lý tưởng, chuyện giúp đời, tóm lại những chuyện (tiếc rằng, và không hiểu do đâu) mà thiên hạ phần đông cho là phù phiếm.
(Ảnh: Mike Oliver)
Teach For America bắt đầu đi vào hoạt động 1990 với ngân khoản 2,5 triệu đô-la, tuyển mộ được 500 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc gửi đến dạy ở thí điểm giáo dục có môi trường dân sinh thấp kém ở Mỹ. Tính cho đến nay, đã có đến 14.400 thày cô tay ngang - vừa tốt nghiệp các đại học danh tiếng như Princeton, Yale hay Harvard - dấn thân dạy học ở các trường trong môi trường xã hội phức tạp hay có điều kiện hoạt động hạn chế, trong khuôn khổ chương trình Teach For America. Ngân khoản ngày nay đã lên đến 120 triệu đô-la, một phần được chính quốc hội Mỹ tài trợ, phần đáng kể còn lại thu góp từ các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội hay tư nhân thiện nguyện. Hiện đang có khoảng hơn 6.000 thày cô của Teach For America đến giảng dạy ở các trường có nhu cầu trợ giúp, không chỉ ở thành thị mà cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Những người trẻ tuổi này - niên khóa 2007/2008 có đến gần 25.000 đơn xin từ các đại học thuộc Ivy-League của Mỹ cho số 3.700 chỗ dạy mà Teach For America dự tuyển - là những trí thức vừa tốt nghiệp xuất sắc từ đủ các ngành khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên, luật hay chính trị, trong số đó chỉ có trên dưới 3% là được đào tạo về sư phạm. Do đâu mà họ dấn thân vào một môi trường mà các đồng nghiệp chính quy vẫn lắc đầu ngán ngẫm? Chắc chắn là không phải đồng lương từ Teach For America vì tổ chức phi lợi nhuận này chỉ trả mức ngang bằng với các thày cô thực thụ khác, và như vậy dĩ nhiên rất thấp so với mức thu nhập họ có thể đạt được nếu vào làm ngay cho các tổ chức hay doanh nghiệp lớn.
Dĩ nhiên, chủ trương và thành quả của Teach For America từ đó đến nay đã bị không ít người - thường là đứng bên ngoài, hay bên trên - chê bai, chỉ trích. Nhưng nó cũng mang lại cho không ít người khác niềm tin vào những (l)ý tưởng xã hội tưởng chừng bất khả thi nhưng lại nhanh chóng trở thành phong trào. Như Kaija Landsberg, một cô sinh viên Đức trẻ tuổi của thế hệ hôm nay vừa gầy dựng nên tổ chức Teach First Deutschland[1] theo kiểu mẫu của Wendy Kopp cho nước Đức. Phải mất hơn một năm đối mặt với nhiều xua đuổi, thậm chí chế giễu, Kaija mới thu phục được các nhà tài trợ lớn như Lufthansa hay Vodafone và gom góp được ngân khoản làm việc hàng năm là 2,5 triệu Euro. Đợt ra quân đầu tiên năm nay với 30 cử nhân hay thạc sĩ vừa ra lò của Teach First Deutschland sẽ tủa về các trường với môi trường khó khăn ở Berlin, đợt sau trong niên khóa tới dự định sẽ lên tới 150 cho 3 tiểu bang khác của Đức.
Chẳng biết Obama có bổ nhiệm Wendy Kopp phụ trách ngành giáo dục Mỹ như người ta đồn đoán những ngày này hay không. Tôi chỉ nghĩ, những con người như vậy ở cương vị nào vẫn là những biểu hiện thầm lặng mà hùng hồn cho khẩu hiệu "Yes we can!" của rất nhiều người Mỹ hôm nay. Và hy vọng những gì từ Mỹ có thể du nhập thành công vào một nước tận bên kia một đại dương như Đức - dù đã phải chờ đến gần 20 năm - cũng có thể băng ngược một đại dương khác đến với một đất nước mà tuổi trẻ vừa hiếu học vừa có truyền thống dấn thân.
No comments:
Post a Comment