Có ai không biết truyền thuyết vua Hùng Vương thứ 6 có nguời con trai thứ 18 hiếu thảo, cần cù, ngày Tết dâng tặng vua cha món quà của Trời Đất. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dày tròn là trời. Từ ngày ấy bánh chưng gắn liền với Tết, Tết không có bánh chưng không còn là Tết nữa.
Ai sống thời thơ bé ở Việt nam, đã chẳng từng say mê chầu chực ngồi xem ông, bà, bố hay mẹ gói bánh chưng Tết. Những giây phút ấy ấm cúng thân thương làm sao. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nhà, xung quanh la liệt nào chậu đựng gạo nếp trắng tinh, một rá đầy đỗ xanh đã đồ chín và nắm thành từng nắm nhỏ vàng ươm, nồi đựng thịt lợn cắt thành từng miếng nhỏ như bao diêm và đã đuợc ướp muối cùng hạt tiêu. Và lá dong, xanh ngắt, trước đó mấy anh em đã rửa sạch, lau khô và xếp thành chồng ngay ngắn. Tất cả chỉ còn chờ bàn tay mẹ gói. Mẹ làm chậm rãi lắm, trước hết phải tước gân lá dong để gói cho dễ, xong xếp những chiếc lá to và lành lặn xuống truớc, lá nhỏ lên trên. Rồi lấy cái bát xúc gạo đổ lên trên lá, một nắm đỗ, mấy miếng thịt, rồi lại đỗ và gạo. Xong xuôi mẹ cẩn thận gói sao cho thật vuông vức và chặt tay, rồi dùng lạt buộc lại. Cứ thế, từng chiếc một, gạo đỗ thịt cứ vơi dần và chồng bánh ngày càng cao. Niềm thích thú không dừng lại ở việc gói bánh. Đúng hơn, niềm vui đã bắt đầu từ truớc đó lâu rồi, từ lúc đi mua lá dong, đi xay đỗ, ngâm và vo gạo nếp ... Đến lúc luộc bánh chưng mới lại càng náo nức hồi hộp. Vì luộc bánh rất lâu, phải canh chừng lửa và nước rất cẩn thận, nên nhiều nhà thường góp vào luộc chung với nhau để chia nhau trông nồi bánh. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi cạnh nồi bánh chưng sôi lục bục, nhìn ngọn lửa hồng reo tí tách, quên cả cái rét mùa đông sót lại, đêm dường như cũng ngắn hơn. Và mùi bánh chưng gần chín mới thơm làm sao, chỉ muốn hít lấy hít để mùi thơm đặc biệt ấy, và tưởng tượng ra vị thơm ngon của bánh. Nhưng chẳng có đứa trẻ con nào thức trọn đuợc cả đêm chờ bánh chín, chỉ mang theo vào giấc ngủ niềm vui suớng lâng lâng không gọi thành tên mỗi khi Tết đến.
Những ngày tháng xa xưa đầm ấm ấy vẫn thỉnh thoảng trở về trong trí tôi, cùng tất cả những nguời cũ, cảnh cũ. Đôi lúc tôi vẫn cứ thích mơ màng đuợc quay trở lại một lần là đứa bé ngày xưa. Là tôi đấy, xách làn cùng mẹ đi mua sắm chợ Tết, kiên nhẫn theo mẹ đi hết hàng này đến hàng kia, cho đến lúc cái làn đã đầy ắp nặng trĩu tay mà vẫn chưa mua xong. Cũng lại là tôi, thương ông ngoại ngồi trông nồi bánh chưng một mình duới bếp, ông yên lặng nhìn ngọn lửa, có phải ông buồn khi chạnh nhớ những cái Tết khi còn bà? Hay cái phút giao thừa thiêng liêng, bố và các anh đốt băng pháo hồng điều hòa cùng tiếng pháo vang trời của tất cả các nhà trong khu tập thể. Giây phút ấy tôi tin tuởng mãnh liệt rằng năm mới sẽ tốt đẹp hơn năm cũ rất nhiều, và hạnh phúc đang chờ ở phía trước ...
1 comment:
Ở miền Nam và miền Trung thì ăn Tết không thể thiếu bánh tét.
Bánh tét gói bằng lá chuối, "trói" bằng dây lạt, có nhưn mặn như bánh chưng mà cũng có nhưn ngọt với đậu xanh, chuối, ... Có khi gói bánh còn dư nếp, đậu xanh thì gói thêm thành bánh ú. Khi ăn, bánh tét được "tét" ra bằng cách mở lá chuối và xiết dây lạt theo chu vi đòn bánh, không thấy ai lấy dao cắt bao giờ. Có người bảo do đó mà có tên bánh tét, nhưng cũng có người bảo "tét" là do "Tết" nói trại ra. Bánh tét ăn với củ cải, củ kiệu, thịt mỡ kho măng kho trứng. Có khi người ta cũng gói bánh tét bằng nếp ngâm nước dừa, ăn thơm ngon hơn nhưng không để được lâu. Tết miền Nam nhà nghèo lắm cũng không thể không có nồi thịt kho nước dừa, nồi canh khổ qua nhồi thịt, mâm ngũ quả và đôi đòn bánh tét để cúng ông bà. Còn ngoài ra thì là các loại mứt, hột dưa và dĩ nhiên là dưa hấu.
Post a Comment