01 December 2008

Lý tưởng giáo dục

Nay mai này ông Barack Obama, vị Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức sẽ chính thức trình làng các bộ mặt trong nội các mới của mình. Tuy giới thông thạo có vẻ như đã chắc mẫm những ai sẽ nắm các guồng máy chủ chốt như ngoại giao, kinh tế hay quốc phòng, nhưng cũng có vài bộ ngành xem ra vẫn còn chưa ngã ngũ, vẫn phải chờ đến lúc sân khấu mở màn. Kiểu như "...and the winner is..." của Hollywood hàng năm.

Tôi thật không mấy rành các khuôn mặt chính trị bên xứ Mỹ, và cũng không mong đợi ai sẽ vào ghế nào mà làm chi. Dù vậy, có một cái tên mà khi nghe qua tôi bỗng nhớ lại và liên tưởng đến nhiều chuyện. Chuyện tuổi trẻ, chuyện lý tưởng, chuyện giúp đời, tóm lại những chuyện (tiếc rằng, và không hiểu do đâu) mà thiên hạ phần đông cho là phù phiếm.


(Ảnh: Mike Oliver)
Gần 20 năm trước, khi chính tôi vừa bỏ lại giảng đường đại học để lẫm đẫm bước vô thế giới nghề nghiệp ở xứ Đức này được non năm thì bên Mỹ, Wendy Kopp cũng vừa đề xướng chương trình Teach for America. Ý tưởng của cô sinh viên Princeton ngày đó mới 21 tuổi này thật đơn giản nhưng cũng thật táo bạo: tuyển các sinh viên tốt nghiệp hạng ưu từ các trường đại học danh tiếng ở Mỹ vào dạy trong một thời gian hai năm tại các trường công lập tại những địa phương có tình trạng xã hội phức tạp nhất. Nghe đâu khi Wendy tìm đến thày của mình - ông Martin Bressler, giáo sư xã hội học - để trình bày dự định thì bị mắng cho ngay lập tức là "điên rồ". Và Bressler không phải là người duy nhất cho rằng đề án - và lý tưởng công bằng hóa thực trạng giáo dục ở Mỹ - của Wendy là trèo cao, phi thực tế hay ít nhất là lãng mạn vô tích sự. Nhưng có vẻ như chính những lời phê phán đó lại làm Wendy bền lòng hơn. Cô hoàn thành luận án cử nhân về chính đề tài này và lấy đó làm cơ sở cho chương trình Teach For America. Và rồi cô cũng thuyết phục được các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp lớn tài trợ cho.

Teach For America bắt đầu đi vào hoạt động 1990 với ngân khoản 2,5 triệu đô-la, tuyển mộ được 500 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc gửi đến dạy ở thí điểm giáo dục có môi trường dân sinh thấp kém ở Mỹ. Tính cho đến nay, đã có đến 14.400 thày cô tay ngang - vừa tốt nghiệp các đại học danh tiếng như Princeton, Yale hay Harvard - dấn thân dạy học ở các trường trong môi trường xã hội phức tạp hay có điều kiện hoạt động hạn chế, trong khuôn khổ chương trình Teach For America. Ngân khoản ngày nay đã lên đến 120 triệu đô-la, một phần được chính quốc hội Mỹ tài trợ, phần đáng kể còn lại thu góp từ các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội hay tư nhân thiện nguyện. Hiện đang có khoảng hơn 6.000 thày cô của Teach For America đến giảng dạy ở các trường có nhu cầu trợ giúp, không chỉ ở thành thị mà cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Những người trẻ tuổi này - niên khóa 2007/2008 có đến gần 25.000 đơn xin từ các đại học thuộc Ivy-League của Mỹ cho số 3.700 chỗ dạy mà Teach For America dự tuyển - là những trí thức vừa tốt nghiệp xuất sắc từ đủ các ngành khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên, luật hay chính trị, trong số đó chỉ có trên dưới 3% là được đào tạo về sư phạm. Do đâu mà họ dấn thân vào một môi trường mà các đồng nghiệp chính quy vẫn lắc đầu ngán ngẫm? Chắc chắn là không phải đồng lương từ Teach For America vì tổ chức phi lợi nhuận này chỉ trả mức ngang bằng với các thày cô thực thụ khác, và như vậy dĩ nhiên rất thấp so với mức thu nhập họ có thể đạt được nếu vào làm ngay cho các tổ chức hay doanh nghiệp lớn.

Dĩ nhiên, chủ trương và thành quả của Teach For America từ đó đến nay đã bị không ít người - thường là đứng bên ngoài, hay bên trên - chê bai, chỉ trích. Nhưng nó cũng mang lại cho không ít người khác niềm tin vào những (l)ý tưởng xã hội tưởng chừng bất khả thi nhưng lại nhanh chóng trở thành phong trào. Như Kaija Landsberg, một cô sinh viên Đức trẻ tuổi của thế hệ hôm nay vừa gầy dựng nên tổ chức Teach First Deutschland[1] theo kiểu mẫu của Wendy Kopp cho nước Đức. Phải mất hơn một năm đối mặt với nhiều xua đuổi, thậm chí chế giễu, Kaija mới thu phục được các nhà tài trợ lớn như Lufthansa hay Vodafone và gom góp được ngân khoản làm việc hàng năm là 2,5 triệu Euro. Đợt ra quân đầu tiên năm nay với 30 cử nhân hay thạc sĩ vừa ra lò của Teach First Deutschland sẽ tủa về các trường với môi trường khó khăn ở Berlin, đợt sau trong niên khóa tới dự định sẽ lên tới 150 cho 3 tiểu bang khác của Đức.

Chẳng biết Obama có bổ nhiệm Wendy Kopp phụ trách ngành giáo dục Mỹ như người ta đồn đoán những ngày này hay không. Tôi chỉ nghĩ, những con người như vậy ở cương vị nào vẫn là những biểu hiện thầm lặng mà hùng hồn cho khẩu hiệu "Yes we can!" của rất nhiều người Mỹ hôm nay. Và hy vọng những gì từ Mỹ có thể du nhập thành công vào một nước tận bên kia một đại dương như Đức - dù đã phải chờ đến gần 20 năm - cũng có thể băng ngược một đại dương khác đến với một đất nước mà tuổi trẻ vừa hiếu học vừa có truyền thống dấn thân.

    1. Deutschland: nước Đức

13 August 2008

Bồ tát Nam Kinh


Đây đó vẫn còn những câu chuyện cổ tích đáng ghi. Như câu chuyện về nhân vật John Rabe mà dân chúng Nam Kinh một thời gọi là Phật sống, và mới đây vừa được dựng thành phim. Chỉ có điều, cái gì đã nghe giống như cổ tích thì tất nhiên chẳng mấy ai nghĩ là có thật. Có lẽ vì vậy nên một vài bài báo điện ảnh Việt Nam - bên cạnh những chuyện hậu trường éo le về các diễn viên đóng phim trên - còn cho là truyện phim được dàn dựng theo tiểu thuyết!

Thật ra thì câu chuyện cổ tích thời đại này hoàn toàn có thật. Và thật ra John Rabe sinh ra hoàn toàn không phải để làm nên cổ tích, và thánh thiện như Phật thì lại càng không. Là một người Đức chính tông sinh trưởng ở Hamburg nhưng cho đến khi xảy ra vụ thảm sát Nam Kinh cuối năm 1937 Rabe đã sống và làm việc ở Trung quốc vừa vặn ba thập kỷ. Và trên trọn quãng đường 55 tuổi đời đến đó, ông ta vẫn là một con người rất đỗi bình thường. Vẫn theo đuổi danh lợi trong vai trò một doanh nhân khá thành đạt - Rabe là tổng đại diện của tập đoàn Siemens ở Nam Kinh - và vẫn đầy sân si trong cuộc sống hàng ngày như những người từng quen biết ông kể lại. Và "khó xử" nhất cho người đời sau là từ 1934 và ở tận Nam Kinh xa xôi, Rabe đã tự nguyện gia nhập Đảng Quốc xã Đức, và ít nhất là trong thời gian ở Trung quốc, lúc nào ông cũng ra mặt tán dương và đề cao lãnh tụ Hitler!

Khác với dịch SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính) bùng nổ và lan tràn bất ngờ vào cuối năm 2002, quân phiệt Nhật tuần tự tiến chiếm lãnh thổ Trung quốc từ tận những năm đầu thập niên 1930. Hè 1937 Thượng hải rơi vào tay họ và vài tháng sau đó đến lượt Nam Kinh, thủ đô của Trung quốc lúc bấy giờ (tức Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch). Nhưng cũng như vào thời dịch SARS sau này, khi quân Nhật đã đến cửa ngõ Nam Kinh vào tháng 11 1937, hầu như người nước ngoài ai nấy đều hối hả khăn gói ra đi. Tin đồn về những hành động bạo tàn của lính Nhật trên đường tiến quân lan đến từ khắp nơi. Phi cơ Nhật bắn phá không chừa một mục tiêu dân sự nào. John Rabe và một số ít kiều dân Anh, Mỹ đã quyết định cùng ở lại Nam Kinh. Không phải chỉ ở lại mà họ còn cùng nhau lập ra một khu vực rộng khoảng 4 cây số vuông tự mệnh danh là dưới quyền kiểm soát quốc tế, dưới tên gọi là Nam Kinh An Toàn Khu (Nanking Safety Zone), cho gần 300.000 dân chúng Nam Kinh và các nơi vào lánh nạn, với hy vọng danh nghĩa này sẽ cản bước lính Nhật bạo hành. Được bầu làm chủ tịch khu vực này, Rabe lao vào tổ chức cứu trợ, gom góp thực phẩm và thuốc men phân phát cho người tỵ nạn. Ông mở luôn cửa nhà riêng cho hơn 600 người vào ẩn náu. Giữa vườn, ông cho căng một lá cờ Đức quốc xã thật lớn để phi cơ Nhật chừa ra không oanh kích. Thời gian này, tuy chưa khởi sự chiến tranh thế giới nhưng Đức quốc xã đã ký hiệp ước đồng minh với Nhật. Giữa tháng 12, quân Nhật tiến vào Nam Kinh và điều dự đoán đã trở thành sự thật kinh hoàng. Trong những tuần lễ sau đó, binh lính Nhật gây ra cuộc thảm sát bi thương nhất lịch sử cổ kim bên bờ sông Dương tử. Lính Nhật bắn xối xả vào dân chúng, thi đua chặt đầu, mổ bụng, hãm hiếp, hỏa thiêu, nhận nước, chôn sống, hành hạ nạn nhân của họ bằng đủ cách cho đến chết. Họ giết người như trò tiêu khiển, bất kể già trẻ lớn bé. Tiếng van xin, kêu khóc vang trời, đường xá ngập xác người, đất nhuộm đỏ màu máu. Con số nạn nhân được ước lượng sau này cũng nói lên phần nào sự khủng khiếp đó: khoảng 300.000 người bị giết (nhiều hơn số người thiệt mạng bởi hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki cộng lại), bên cạnh hàng chục ngàn phụ nữ bị hãm hiếp.

Những ngày sau đó, phần lớn những người cộng tác với Rabe lần lượt bỏ đi, một số đã đem theo được phim ảnh làm bằng chứng cho tội ác tày trời này. Riêng Rabe vẫn kiên trì ở lại. Với vũ khí duy nhất là huy hiệu chữ vạn Đức quốc xã đeo trên tay, ông bất kể nguy hiểm tính mạng giành giật lại từng mạng sống từ tay binh lính Nhật tràn vào khu vực tỵ nạn mà ông quản lý.

Mãi đến tháng hai 1938, khi tình hình tạm lắng dịu và tập đoàn Siemens một lần nữa gửi công điện triệu hồi, Rabe mới miễn cưỡng trở về Đức. Mồng một Tết Mậu Dần cũng là ngày ông từ giã hàng hàng lớp lớp người được ông cứu mạng và cưu mang. Họ trao tặng ông một tấm lụa đỏ lớn, ghi lời tôn xưng Rabe là vị Bồ tát đã cứu vớt hàng trăm ngàn sinh mạng (theo ước tính của những người được Rabe che chở, có khoảng hơn 200.000 người dân Trung quốc đã thoát chết nhờ công lao của ông).

Câu chuyện cổ tích đến đây lẽ ra nên chấm dứt mới phải. Vì quãng đời sau đó của Rabe không kết thúc có hậu như trong cổ tích. Quay về Berlin, ông tổ chức diễn thuyết, chiếu phim, triển lãm hình ảnh về vụ thảm sát ở Nam Kinh. Ngây thơ về chính trị, ông còn viết thư và gửi tài liệu lên quốc trưởng Hitler yêu cầu can thiệp với lãnh đạo Nhật bản, không để những thảm kịch chiến tranh kia xảy ra nữa. Kết quả là mật thám Gestapo đã bắt giữ Rabe. Nhờ hãng Siemens vận động, ông được thả ra sau đó nhưng bị nghiêm cấm không được tiếp tục lưu hành hay đăng tải những sự kiện về vụ thảm sát. Cũng từ đó Rabe bị ruồng rẫy trong nội bộ Siemens, chỉ còn phận sự dịch bài vở tiếng Anh. Không những vậy, đối với người ngoài, Siemens hoàn toàn chối bỏ tên tuổi Rabe để khỏi bị liên lụy.

Sau chiến tranh, một phần cũng vì quá khứ đảng viên mà Rabe không được chính quyền quân quản Liên xô rồi sau đó là Anh chấp thuận ngay là đã "tẩy sạch" Quốc xã. Vì lý do này Siemens sa thải ông hẳn và gia đình ông lâm vào nghèo đói. Một thời gian sau đó, một số người dân Nam Kinh từng thọ ơn Rabe đã quyên góp gửi qua giúp đỡ, nhưng chỉ được chưa đầy một năm thì 1949 Trung hoa lục địa một lần nữa lại đổi chủ. Năm sau đó, vẫn trong cảnh túng thiếu, ông qua đời vì đột quị. Sau này, vào cùng thời gian mà Siemens bỏ ra hàng chục triệu Đức mã kỷ niệm 150 năm ngày thành lập thật linh đình, mộ của người cựu giám đốc thâm niên Rabe ở nghĩa trang Berlin vì không được gia hạn đúng kỳ nên đã bị giải tỏa. Gia đình ông chỉ còn lại tấm bia đơn sơ, nay đã được thỉnh về Nam Kinh làm đài tưởng niệm.

Nếu Oskar Schindler, cứu tinh của 1.200 người Do Thái, đã được cả thế giới biết đến qua cuốn phim Schindler's List từ năm 1993 thì mãi đến 1996, trong quá trình sưu tầm và biên khảo về vụ thảm sát Nam Kinh[1], Trương Thuần Như (Iris Shun-Ru Chang) mới có dịp đưa ra ánh sáng con người thật sự của vị Bồ tát Nam Kinh. Từ gia đình cháu nội của Rabe, cô đã tìm ra được hơn ngàn trang nhật ký của ông[2], ghi lại từng cảnh huống ông đã chứng kiến trong những ngày tháng bi thương đó. Nếu như Trương Thuần Như từ nhỏ đã bị ám ảnh về những chuyện khủng khiếp ở Nam Kinh mà cô hằng được nghe kể lại (tuy chính ông bà ngoại cô may mắn đã trốn thoát khỏi trước ngày thành phố thất thủ) thì những chuyện kinh hoàng mà cô thu thập được cho tác phẩm của mình - trong đó nhật ký của John Rabe đóng một phần không nhỏ - đã vĩnh viễn đè nặng lên tâm trí cô. Năm 2004, Trương Thuần Như tự kết liểu cuộc đời ở tuổi 36.

    -----------------------------------

    1. Iris Shun-Ru Chang: The Rape of Nanking: The Forgotten Holocaust of World War II, Nxb HarperCollins 1997
    Quyển sách này cho đến nay, dù đã được dịch ra tiếng Nhật, vẫn bị các thế lực cực hữu Nhật ngăn trở không cho xuất bản ở Nhật.


    2. Erwin Wickert (Ed.): John Rabe. Der gute Deutsche von Nanking, Nxb DVA, 1997
    Erwin Wickert là bạn vong niên của John Rabe từ những ngày sinh viên ở Nam Kinh, sau này từng làm đại sứ Đức ở Trung Quốc.

24 July 2008

Tâm tình nhà viết sử

Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.

Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình.

[467 trang]

Việc chép lịch-sử cũng như việc dệt vải dệt lụa, dệt xong tấm nào mới biết tấm ấy tốt hay xấu, còn tấm đang dệt, chưa biết thế nào mà nói được.

Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt tấm Nam-sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công-việc, nhưng còn mong có ngày khỏe mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn cũng chưa biết chừng.

Mặc dù nước Việt-nam hiện nay được hoàn toàn độc-lập nhưng sự hay-dở tương-lai chưa biết ra thế nào? Song người bản-quốc phải biết rằng phàm sự sinh-tồn tiến-hóa của một nước, là ở cái chí-nguyện, sự nhẫn-nại và sự cố-gắng của người trong nước. Vậy ta phải hết sức mà học-tập, mà giữ cái tâm-trí cho bền-vững thì chắc tương-lai còn nhiều hi-vọng. Nước Việt-nam ta đã có cái văn-hóa chẳng thua-kém gì ai, và lại có một lịch-sử vẻ-vang, nếu ta biết lợi-dụng cái tiềm-lực cố hữu và cái tính thông-minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến-hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch-sử mỹ-lệ hơn trước?

Có một điều thiết-tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta đã có, bỏ những điều hủ-bại đi, và bắt-chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân-cách đặt-biệt của dân-tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân-biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền-hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu-quả mỹ-mãn.

Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công-lệ tuần-hoàn của tạo-hóa trong thế-gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị-lực để sinh-tồn và tiến-hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn-khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng-dõi nhà Hồng-Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa-vị vẻ-vang với thiên-hạ hay sao? Sự ước-ao mong-mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng-loại Việt-nam ta vậy.

Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953)
Việt Nam Sử Lược, 1919
(trích lời tựa và lời kết)


Việt Nam Sử Lược là bộ sử Việt Nam (từ thời Thượng cổ đến khởi đầu cuộc chiến Đông dương) đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được xuất bản và tái bản nhiều lần từ năm 1921.

08 July 2008

Có chí thì nên?

Phải quyết tâm đạt cho kỳ được mục đích! Kiên trì theo đuổi con đường đã vạch ra! Bất cứ giá nào cũng không để lung lạc tinh thần, hoàn thành cho bằng được chương trình hoạch định! Người ta thường nêu ra những khuôn vàng thước ngọc đại loại như thế, không trích dẫn thực sự thì cũng gá vào miệng những tên tuổi chói lọi trên trường đời. Và người nghe thường vẫn thấy xuôi tai vô cùng, có thực thi cho chính mình hay không thì vẫn cứ cho là chân lý, nhất là khi những thông điệp kiểu này được liên kết với những tấm gương thành đạt hay danh vọng trong xã hội. Mà chúng lại là những phương châm đa năng, đa dụng nữa chứ. Chẳng phải chỉ hữu ích cho chính trị, học thuật mà cả trong chiến tranh, thể thao hay ngay đến chuyện ...tu hành cũng tốt nốt. Và chẳng phải chỉ được đề cao ở cái tiểu quốc nho nhỏ nhìn ra Thái Bình Dương với hơn bốn ngàn năm duy ý chí mà là khắp nơi trên quả đất này, từ Đông sang Tây, cả khi con người ta chập chững bay vào vũ trụ cũng vẫn ngoái đầu lại dặn dò đồng loại như thế!

Công thức nghe qua hợp lý vô cùng. Không quản ngại gian khó, bền lòng vững chí vượt qua mọi thất bại, thử thách, kiên tâm theo đuổi tới cùng thì ắt sẽ đạt được mục đích. Nhưng có thật là như vậy không? Có phải với sự quyết tâm và ý chí sắt đá thì ai cũng sẽ về đến đích không? Một người chạy việt dã chẳng hạn có thể cảm nghiệm là ý chí đúng là rất cần. Nhưng ý chí chỉ giúp ích được khi thể chất cũng đầy đủ cho quãng đường 42 cây số phải vượt qua. Thiếu thể chất thì ý chí có vững chắc đến đâu cũng không làm tăng được lòng tự tin mà nhiều lắm là chỉ đánh tráo vào đó sự tự lừa dối bản thân. Và chính sự quyết tâm khi đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến ngã quỵ trước khi về đến đích.

Thật ra chẳng có gì mới lạ cả. Con người ta từ cổ chí kim vẫn chạy đường trường trên cái lối mòn này. Tự đặt ra cho mình mục đích và kiên trì quyết đạt đến đó. Bù lại - và cũng chính từ đó mà ra? - xã hội loài người vẫn luôn trọng vọng những ai đạt được mục đích của mình, và mục đích càng cao xa lại càng thêm vinh dự. Leo đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Gồm thu thiên hạ. Đoạt giải Nobel. Phá kỷ lục thế giới. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ khi vươn quá tầm thì mới được vỗ tay. Cái chính yếu và được đề cao vẫn là cái quyết tâm, chừng nào còn bền gan trên đường, cho dù đã thất thểu hay chỉ còn thoi thóp, thì tệ lắm cũng vẫn được người đời khen tặng là có chí hướng, có nghị lực. Toàn cảnh đoàn người chạy việt dã kia không khác gì một nhân loại thu nhỏ. Những người chạy quyết tâm vượt quãng đường dài thử thách trong tiếng hò reo cổ động bên đường. Số người về đến đích vung tay chiến thắng, khẳng định rằng chính ý chí đã giúp họ. Còn số người không về đến đích? Ban tổ chức và khán giả rất sẵn lòng tuyên dương nghị lực sắt đá của những người kiệt sức ngã quỵ giữa đường, và vinh danh những người trong bọn họ đã vĩnh viễn nằm lại. Nhưng không ai chấp nhận chuyện tự bỏ cuộc, hay đúng hơn xem số người này như không có, hay ít nhất là không nhìn nhận họ đã tham gia.

Văn hóa con người vốn chỉ quảng bá và đề cao sự kiên cường. Chúng ta đều được dạy từ lúc nằm nôi là một khi đã quyết định hướng đi và mục tiêu thì nhất định phải vững lòng theo đuổi đến cùng. Phải theo đuổi cho đến khi thắng lợi vẻ vang hay thất bại hào hùng, nhưng chúng ta tuyệt không được dạy cách rút lui kịp thời, cách bỏ cuộc đúng lúc. Sa lầy trong cuộc chiến? Vẫn bền gan bám trụ, chôn vùi thêm bao nhiêu sinh mạng cũng mặc kệ. Dự án ngày càng đòi hỏi chi phí cao hơn gấp mấy lần dự kiến? Tiếp tục bơm thêm tiền của, công sức vào dù có nguy cơ phá sản đi nữa. Ngay cả trong khoa học tự nhiên cũng vậy, "khi người ta đã chìm đắm vào một ý tưởng nào đó hơn nửa năm ròng thì không thể nào dứt bỏ ra được nữa", như Albert Einstein đã nói[1].

Để lập trường bị lung lạc hay mất niềm tin đã là tệ hại, xét lại mục tiêu hay đường hướng đã đặt ra - cho dù trên cơ sở nào cũng vậy - thì quả là phạm vào tối kỵ. Điều này nghe chừng như chỉ là một sự ràng buộc về văn hóa hay xã hội, song thực sự lại có vẻ được đóng khuôn sẵn trong tâm lý và tư duy con người, như một khảo sát mới đây vừa minh chứng[2]. Theo đó, chính những người có khả năng lý luận sâu sắc lại là những người ít sẵn sàng tự chuyển đổi cách nhìn. Trái lại, họ là thành phần bám víu mạnh mẽ nhất vào đường hướng đã từng lựa chọn. Nhìn lại thế kỷ vừa qua, điều này có phần giải thích được tại sao nhân loại đã tiến những bước rất dài trong khoa học, kỹ thuật và trong nghiên cứu xã hội, nhân văn, nhưng cùng lúc đã gây ra nhiều sai lầm cơ bản trong vai trò một loài sinh vật sống trên quả đất này.

Lẽ nào con người ta lại tâm niệm cuộc sống chỉ là những quãng đường việt dã nối tiếp, và đã lên thì không thể dừng hay quay lại?

-------------

1. thư gửi Michele Besso, bạn thân từ thời sinh viên ở Thụy Sĩ
2. “When Thinking Rationally Increases Biases", Applied Psychology 57 (2), 246–271, 2008

02 July 2008

Tôi ơi! Ta ơi!

Tôi với ta đến với thơ Việt dù chưa được bao lâu nhưng cũng không mấy ai còn rõ là vào thời điểm chính xác nào. Chỉ biết là cùng lúc với phong trào Thơ Mới đầu thế kỷ trước, những tôi cùng ta đã lồ lộ xuất hiện khắp nơi. Nói vậy không có nghĩa là tâm trạng của những Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay cả Nguyễn Du đưa vào lời thơ chưa toát lên tính cách cá nhân hay không hàm chứa tâm tình riêng tư. Thực ra, thơ cổ vẫn kết hợp thành công tâm tư tác giả với nhân sinh thế sự để thể hiện cái chân chất của tình cảm hay tư tưởng mà không cần đưa tôi hay ta lồ lộ ra ngoài.


Nhưng có tôi, có ta thì dù sao vẫn gần gũi hơn:

Em yêu tôi và ta yêu nhau
Tôi lại say như buổi hạ đầu

(Duyên phượng hoa - Đinh Hùng)

Tôi - và hy vọng là cả em - có trong ta, trong ta có tôi (và em). Có vẻ rõ ràng đó nhưng lại không đơn giản chút nào.

Có lẽ một phần vì đã là tôi thì không dễ gì nắm bắt, dù là tự mình hay do người khác. Tôi hôm nay có thể vẫn là tôi ngày xưa, giữ nguyên không dời đổi:

Thu vẫn thu của Hà Nội năm nào
Tôi vẫn tôi của một thời tuổi trẻ

(Tôi có một mùa thu Hà Nội - Diệp Minh Tuyền)

nhưng cũng có thể tôi ngày mai lại khác hẳn tôi hôm nay:

Mai kia tôi không còn chút thì giờ làm thơ
Chép tặng em từng trang
Dẫu lúc ấy tôi chẳng là tôi nữa

(Bài thơ ban mai - Hoàng Vũ Thuật)

Hay là cũng như vạn vật chung quanh, dù xôn xao hay tĩnh lặng, và ngay cả khi tưởng chừng đã khuất lấp, tôi vẫn không ngừng biến hóa, mỗi thời điểm mỗi khác đi, tuy mới thoạt nhìn không chắc đã nhận ra?

Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này

(Đi thuyền - Xuân Diệu)

Đó là tôi, tôi chủ thể của sống, yêu, cho, nhận, ... kể sao cho hết. Từ tôi đi đến cái tôi là cả một quãng đường, tương đối ngắn đối với mỗi một tôi từ ngày bước đi chập chững nhìn thấy mình lần đầu trong gương, nhưng tương đối dài khi nói chung về con đường tiến đến nhận thức khái niệm này. Bởi cái tôi thực sự rối rắm. Và thông thường thì người ta cho rằng "tôi không phải là cái tôi" (le je n'est pas le moi) như học thuyết kinh điển của nhà phân tâm học Jacques Lacan khẳng định. Mà thật, khác với tôi - tuy vẫn lắm khi có vẻ mờ mịt, vô hình:

Tôi là ai, là ai, là ai
Mà yêu quá đời này?

(Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - Trịnh Công Sơn)

cái tôi xem ra lại là một cái gì đó thường có chiều hướng được nhào nặn, gọt giũa, tô vẽ, đánh bóng, rồi tùy lúc mà trương to ra hay co thắt lại, lộn ra ngoài hay giấu vào trong, cốt để tiện bề sử dụng:

Ngỡ thắng rồi bỗng thấy thua
Cái tôi sấp ngửa cho vừa cuộc chơi

(Đi qua trăm đỉnh mưa rào - Mường Mán)

hay chỉ tự nằm lẩn quất đâu đó, nhạt mờ, chìm lắng nhưng không tan biến, hòa đồng:

Đón đợi vườn ta mấy mùa bỏ vắng
Ý sương mờ rêu phủ gốc cây tang
Những lá khô, trái thối, những hoa tàn
Pho sách bịt bùng, cái tôi kín mít

(Những con chim - Tế Hanh)

Cho nên lý tưởng lắm thì có vẻ như cái tôi và tôi lúc nào cũng chỉ là những thứ tiệm cận nhau, trùng hợp hẳn hay trở thành một thì hoàn toàn không thể. Đó là chưa kể còn lắm thứ chôn vùi trộn lẫn trong đó nữa:

Khi tôi và tôi khác màu
Tôi ngửi thấy mùi tiềm thức

(Ngửi - Nguyễn Thế Hoàng Linh)

nhưng vẫn đủ để khi cần thì phân định rạch ròi:

Đêm rất em
Và riêng rất tôi

(Mùa nguyệt thực - Nguyễn Phước Nguyên)

Trở lại với tôi và ta. Tôi là một phần của ta, nhưng có khi ta chỉ đơn thuần là một cách bộc bạch về tôi trên giao diện với thế gian, từ tương phản đi đến chính mình bằng con đường tin cậy nhất:

Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường

(Đoá hoa vô thường - Trịnh Công Sơn)

Cái tôi và cái ta cũng vậy, để tìm về tôi và ta thì chúng có khi lại là rào cản ôm chặt lấy mình, không khó tháo gỡ nhưng không dễ buông ra:

Thả bộ váy cho đất, thả gương mặt cho trời
Thả cái tôi, thả cái ta
Thở hồn nhiên đồi thông Đại Lào
Để lại dấu chân không

(Thở trên rừng Đại Lào - Phan Trung Thành)

Nhưng dù vậy, đâu đó vẫn còn chút hy vọng dấy lên từ những người đi trước:

Cuộc trở về êm như bản nhạc
Đường về tạo lấy bằng thơ
Vì ta vẫn là ta dầu nghiêng lệch bơ phờ
Núi vẫn nhận ra nhau
Suối không hề oán trách

(Trở về - Vũ Hoàng Chương)

Cảm ơn tất cả những tôi và ta vậy.

12 June 2008

Người Mỹ và cà vạt

Đàn ông Mỹ kể ra thật lạ! Từ xưa vốn đã không có mấy giới tha thiết với chuyện đeo cà vạt đi làm, nay thì nghe nói cả ở những nơi bấy lâu có vẻ giữ kẽ như khu chứng khoán Wall Street người ta cũng bảo nhau để cổ trần mà lên sàn môi giới. Lẽ nào ngày tàn của cái cà vạt lại đến bên Tân Thế Giới nhanh đến vậy sao?


Cà vạt qua các thời đại: Ludwig van Beethoven (tranh Joseph K. Stieler), Robert de Montesquiou (tranh Giovanni Boldini)
và trong trang phục ngày nay


Đúng ra thì mọi sự đã rành rành cả rồi. Theo khảo sát của viện Gallup thì năm 2007 chỉ còn có 6% người Mỹ đeo cà vạt đến sở làm mỗi ngày, trong lúc 5 năm trước đó vẫn còn được 10%. Mà có đeo hay không thì thực sự cũng không mấy quan trọng. Vấn đề là doanh thu cà vạt ở Mỹ cũng tuột dốc thảm thương, 1995 từ 1,3 tỷ đô la một năm nay chỉ còn chưa đến 700 triệu. Và trong lượng hàng bán được, cà vạt nội địa Mỹ chỉ còn chiếm có 40% - so với 75% năm 1995. Với ngày lễ cha sắp tới vào cuối tuần này, người ta vẫn trông đợi là nhân dịp này dân Mỹ sẽ lại mua sắm kha khá cà vạt để làm quà cho chồng, cho cha, nhưng nói chung thì đà đi xuống đã quá rõ, và chẳng ai nghĩ là có thể xoay chuyển gì được nữa. Cho nên hiệp hội các hãng cung cấp cà vạt Mỹ (Mens’ Dress Furnishings Association) vừa rồi đã không trống không kèn mà tự giải tán sau 60 năm hoạt động. Nhớ lại, vào những năm 1980 họ có đến những 120 doanh nghiệp thành viên, nay thì chỉ còn lác đác có 25. Mà trong số này cũng chẳng mấy ai có vẻ hào hứng gì nữa vì ngay cả trong những buổi họp chính thức hàng năm của hội trong hai năm trở lại đây, chính một số người đại diện đến tham dự cũng không màng đeo cà vạt!

Không hiểu dân Mỹ có quên là cà vạt chẳng phải là một thứ mốt qua đường hay không? Vì đeo nó là đeo cả hơn 3 thế kỷ truyền thống của lục địa châu Âu chứ đâu ít. Từ giữa thế kỷ 17, những người lính đánh thuê thiện chiến xứ Croatia sang hỗ trợ lực lượng cho triều đình Pháp thời Hồng y Richelieu chấp chánh đã đem theo cái kiểu đeo khăn quấn cổ đặc trưng của họ và khai sinh luôn ở đó cách phục sức sớm được yêu chuộng này. Từ "la cravate" tiếng Pháp được coi là phát xuất từ lối nói ban đầu "à la croate" (theo kiểu phát âm miền Nam Đức của từ "Hrvat", tức người xứ Croatia trong ngôn ngữ của họ). Và không lâu sau, mốt đeo khăn cổ này đã lan ra khắp thế giới, kể cả Mỹ châu. Trong thời cách mạng Pháp và sau này trong cách mạng 1848 ở Đức, chính màu sắc của mảnh cà vạt quấn cổ đã đóng vai trò phân biệt thù bạn, quyết định cả sinh tử. Đến ngày nay, trải qua nhiều biến đổi về hình dáng, mẫu mã, cách thắt, cách đeo, cà vạt cuối cùng đã trở thành một phần tử tuy nhỏ nhưng đầy cá tính và không thiếu được trong thứ "đồng phục công sở" của đàn ông gần như khắp nơi trên thế giới.

Tuy thời thế có vẻ bất lợi nhưng hiệp hội các nhà sản xuất cà vạt Mỹ vẫn chưa mất hết hy vọng sẽ chinh phục thị trường trở lại. Trang web của họ vẫn còn đó, và vẫn dành chỗ đặc biệt để hướng dẫn cách chọn và đeo cà vạt cho những người được mời phỏng vấn xin việc làm. Vì đây chính là môi trường duy nhất ở Mỹ vẫn còn áp dụng luật lệ bất thành văn là phải đeo cà vạt. Cho nên, với chiều hướng bất ổn định trong lãnh vực tài chính Mỹ hiện nay, xem ra cà vạt vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn đất dung thân.

29 May 2008

Nhân đạo và biểu tượng

Kể đến đầu thế kỷ 21 này, chuyện xây dựng một thẩm quyền quán thế đứng bên trên (hay bên ngoài) mọi sự khác biệt và tranh chấp trên toàn thế giới vẫn còn là một giấc mơ. Giấc mơ này có không ít khả năng vĩnh viễn phải chịu duyên phần một giấc mơ của cộng đồng loài người, cho dù đây đó đã lấp ló một vài hiện thân nho nhỏ - nhưng nói chung vẫn bất lực - như tổ chức Liên Hiệp Quốc (và tiền thân của nó là Hội Quốc Liên) với các Ủy ban trực thuộc, Công pháp quốc tế, Tòa án quốc tế, và nhất là Liên hiệp Chữ thập đỏ (Hồng thập tự) quốc tế.

Tại sao một tổ chức như phong trào Chữ thập đỏ với tiêu chí duy nhất là cứu hộ nhân đạo - sau gần một thế kỷ rưỡi làm việc - vẫn lắm khi bị nhìn dưới con mắt hồ nghi, thiếu tin tưởng, thậm chí còn bị xua đuổi hay cấm đoán hẳn như mới đây ở Miến Điện? Lẽ nào một trong những nguyên nhân chính lại nằm ngay ở cái tên và biểu tượng của phong trào?

Vì rằng có mấy ai còn nhớ là biểu tượng chữ thập đỏ đơn thuần chỉ là hình ảnh đảo ngược của quốc kỳ Thụy sĩ, được chọn để vinh danh nguồn gốc của người sáng lập tổ chức này là Henri Dunant. Mà biểu tượng để mà làm gì? Ở thời điểm thành lập (1863), với mục tiêu lúc đầu là săn sóc và cứu chữa cho binh sĩ bị thương ngay tại chiến trường, người ta hoàn toàn không nghĩ đến vai trò của một thương hiệu mà chỉ đơn giản muốn có một lá cờ biểu thị rõ ràng vai trò trung lập và nhân đạo, được các bên tham chiến nhìn nhận và bảo vệ khi thực hiện việc cứu hộ ngay trên chiến trường. Nhưng biểu tượng bao giờ cũng vẫn mang vai trò biểu tượng, cho cái này hay cho cái khác. Chính lá cờ chữ thập đỏ mang tính nhân đạo này, khi cứu giúp các thương binh Hồi giáo trong cuộc chiến Nga - Thổ nhĩ kỳ 1877-1878 lại gợi lại cho họ hình ảnh các cuộc Thập tự chinh đẫm máu thời Trung cổ. Vì vậy mà Phong trào từ đó đã lấy thêm một biểu tượng thứ nhì là Trăng lưỡi liềm đỏ và về sau cũng đổi tên cho tương ứng thành Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Nhưng cho dù nguồn ngọn thực sự ra sao và mục đích cao thượng thế nào thì việc đưa thêm vào Trăng lưỡi liềm đỏ dù muốn dù không lại đã gián tiếp nhìn nhận là biểu tượng chữ thập đỏ vô tư kia có liên quan đến thập tự giá của truyền thống Thiên chúa giáo.

Có lẽ đây là một nước cờ tuy nhân đạo nhưng lại mang nhiều bất lợi cho phong trào. 1922 vương quốc Ba Tư cũng đòi hỏi cho bằng được sự công nhận biểu tượng Sư tử và mặt trời đỏ mà chỉ đến 1980, khi trở thành nước Cộng hòa Iran họ mới từ bỏ. Dĩ nhiên các quốc gia khác cũng không chịu "thiệt thòi" và tranh nhau yêu cầu biểu tượng riêng của mình. Afghanistan với vòm cửa đỏ, Congo con cừu đỏ, Ấn độ chữ vạn đỏ,... Tuy vậy, phong trào sớm nhận ra sai lầm và tuyệt đối không chấp nhận thêm biểu tượng nào khác. Cho đến 2005, khi sự tranh cãi về biểu tượng ngôi sao David đỏ mà nước thành viên Do thái (hội Magen David Adom) tùy tiện sử dụng lên đến cao độ, phong trào đã phải thông qua thêm một giải pháp thỏa hiệp: biểu tượng "Tinh thể đỏ" với hình dạng hình thoi trở thành biểu tượng thứ ba mang tính cách trung lập của phong trào.

Chừng ấy biểu tượng tưởng đã đủ đáp ứng cho mọi tình thế, đủ để yên tâm trở về tập trung vào mục đích chính là cứu hộ nhân đạo. Nhưng tiếc rằng thực tế cho thấy vẫn không được như vậy, như đã thấy ở Miến Điện, Zimbabwe hay Darfur.

Hay là có khi lại cần thêm một biểu tượng nữa với ý nghĩa nhân đạo cưỡng chế cho những trường hợp này?

25 May 2008

Lá thư Tây Hồ

Thư Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Tất Thành

Marseille ngày 18-12-1922

Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người, nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tưởng bên nhà. Chính phủ bảo hộ thì nói rằng: cái việc dẹp loạn là để an dân, làm mấy con đường hỏa xa, mấy cái học đường, mấy cái nhà thương là để khai hóa xứ An Nam mình. Cái công lao ấy thì báo chương Ba Lê[1] nhan nhản đăng lên, còn cái sưu cao thuế nặng, cái tham quan lại nhũng, cái sĩ khí dân tình bị chém giết, bị bỏ tù, bị đày ải kia thời họ im phăng phắc. Bởi cái cảnh thất quốc vong gia kia, lòng dân đồ thán, nên cảnh giang hồ chúng mình làm sao mà nguôi dạ được, hồn Tổ quốc nặng trĩu trên vai, xót vì quốc dân đồng bào đương rên xiết bởi cường quyền áp chế.

Thực trạng dân tình thế thái bên nhà, bọn mình biết rõ, bấy lâu nay bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao. Khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu[2], ông Lư Thoa[3] khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên đất An Nam mình. Xem thế thì gẫm ngay được rằng: một chủng tộc muốn như chủng tộc văn minh chỉ có tự lập tự cường. Nhưng khốn nỗi nước An Nam ta từ ngày quan quân nước Pháp đem binh thuyền đến mà chinh phục mãi tới ngày nay, sĩ khí dân tình khởi sự chống lại chính phủ bảo hộ tiếp diễn liên miên, hết cuộc này, đến cuộc khác, rốt cuộc đâu hoàn đó, chẳng nhúc nhích được chút nào. Ngày nay, việc khởi sự lần hồi giảm đi bởi cái dã tâm của hạng người dạ thú, của kẻ đầu trâu mặt ngựa, bởi thiếu người hướng đạo.

Bấy lâu nay, tôi cùng anh và Phan[4] đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi lại thời không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội[5] của anh, và cả cái dụng lý thuyết thâu nhân tâm của Phan. Bởi phương pháp bất hòa mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng hủ nho thủ cựu. Cái điều tôi đã thấy rằng: tôi đọc chữ Pháp bập bẹ, nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói gì đọ với anh Phan. Tôi tự ví tôi ngày nay như con ngựa đã hết nước tế, tôi nói thế chẳng hề dám ví anh là kẻ tử mã lục thạch[6]. Thực tình từ trước đến nay tôi chẳng khinh thị anh, mà tôi còn phục anh nữa là khác. Tôi thực tình cứ sao nói nấy, không ton hót anh tí nào.

Mấy việc nói qua trên kia để bọn mình ôn cố một chút, còn lần này tôi phải viết cái thư này cho anh là tôi có cái hy vọng muốn anh nghe theo tôi mà lo cái đại sự. Phàm thử muốn thức tỉnh quốc dân, đồng bào đánh đổ cường quyền áp chế, thời từ xưa đến nay, từ Á sang Âu, chưa có một người nào làm cái việc như anh, anh lấy cái lẽ ở nước mình lưới giăng tứ bề, mà về nước ắt là sa cơ, gia dĩ dân tình sĩ khí cơ hồ tan tác, bởi cái chính sách cường quyền nên sự hấp thụ lý thuyết kém cỏi, bởi thế mà anh cứ khư khư cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội, cứ như cái phương pháp ấy, thời anh viết bài đăng báo chương trên đất người để mà hô hào quốc dân đồng bào bên nhà đem tinh thần nghị lực ra làm việc nước. Tôi coi lối ấy phí công mà thôi. Bởi vì, quốc dân đồng bào mấy ai biết chữ Tây, chữ quốc ngữ, cầm tờ báo mà đọc nổi. Theo ý tôi thì mình học hỏi lý thuyết hay, phương pháp tốt, thâu tóm được chữ nghĩa, có chí mưu cầu quyền lợi cho quốc dân, đồng bào thì đừng có dùng cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông gõ trống, mà phải trở về ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công. Anh không nghe lời tôi nói, anh ở hoài bên này, cứ cái lối đó thì tài năng của anh chẳng khác gì công dã tràng. Bởi cái lẽ đó mà tôi khuyên anh thu xếp mà về, đem tài năng của mình khích động nhân tâm, hô hào đồng bào ba kỳ đồng tâm hiệp lực để mà đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công.

Tôi biết anh hấp thu được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư[7], ông Lý Ninh[8], nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh rõ. Ông Mã vốn sinh trưởng trên đất Đức Ý Chi[9], ông bị chính phủ tầm nã vì cái tội cách mệnh, đành lánh nạn sang nước Anh Cát Lợi[10], sau ông lại lội về Đức Ý Chi mà làm việc, vả lại còn nói chuyện cách mệnh dân quyền của cả thế gian, là cái rốn chính ở ngay trên đất Đức Ý Chi, nên ông ấy về để mà làm việc.

Lý cũng bị cái chính phủ cường quyền Nga La Tư[11] truy nã, ông phải lánh nạn sang cái xứ Phát La Tây[12], Đức Ý Chi và Lang Sa[13], rồi ông trở lại về nước hô hào dân thợ, dân cày, lính tráng đoàn kết mới làm nổi cách mạng mà dân Âu Mỹ đều thần phục.

Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa, có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho mình như anh đâu? Bởi vậy, quả như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy thì anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là cái phương pháp hay biết chừng nào.

Lại còn có điều ngộ bất trắc sa cơ, đương nhiên là sự phòng xa thời ắt là lợi hơn thiển cận, song lẽ từ xưa đến nay biết bao nhân thân, chí sĩ nước mình hoặc khởi sự hay ôn hòa đương đầu với cường quyền áp chế, mấy ai khỏi vào lao lung tù tội, đày ải chém giết. Ông Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Đình Phùng bị đào mã ném xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đày biệt xứ, và nhiều không kể xiết sự đầu rơi máu chảy… Ngại vì sa cơ thì e rằng bỏ mất cái tài của mình, cơ hội chảy qua như dòng nước. Bởi thế cho nên phương pháp qui sào giác thế[14] mà anh làm được thì may mắn cho quốc dân, đồng bào ta biết dường nào. Giả như không làm được như thế, thời tài năng của anh ắt là mai một.

Anh cứ xem ông Phan Bội Châu hồi trước chẳng nghe lời tôi, mang người mang của đến cái đất Phù Tang[15], cầu cứu nghĩa đồng văn đồng chủng, chạy Đông chạy Tây, di ngoại đột nội[16], rốt cuộc chỉ làm được mấy lần khởi sự. Vả lại cái chủ trương của ông Phan mới xem qua thì hay lắm, song gẫm cho kỹ càng thì chẳng khác gì phương pháp của họ Lê cầu Thanh diệt Trịnh, họ Nguyễn cầu viện Pháp đình đánh Tây Sơn. Cổ lai thế sự, còn rành rành ra đó, ấy thế mà ông Phan cứ tôn thờ cái bài vị đồng văn, đồng chủng. Thảng như cái phương pháp của ông Phan mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi. Hồi ông ấy mới mưu đồ quốc sự, tôi có nói với ông là, ông hãy ở nhà cùng với nhân thân chí sĩ ba kỳ mà thức tỉnh nhân tâm, hợp quần hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền, Đông Tây sao mà chẳng vỗ nên bộp? Ấy thế mà ông Phan chẳng thèm nghe, mà mãi tới nay ông vẫn còn cứ cho phương pháp của ông là hay. Tôi biết anh cũng chẳng tán đồng cái phương pháp của ông Phan, vả lại tôi cũng còn tin rằng không sớm thì chầy, anh cũng lấy cái phương pháp khẩu xướng đối nhân, dụng nội triệt ngoại[17] cùng với sĩ phu dân chúng ba kỳ mà mưu đồ đại sự.

Từ xưa đến nay, tôi vẫn cho phương pháp của tôi có nhiều sự hay hơn nhiều sự dở, vì rằng người nước mình trên có chính phủ bảo hộ trông, dưới là một bầy tham quan lại nhũng, học thức trong đám dân chúng kém cỏi, thì còn gì tốt lành bằng cái tôi dựa vào lý thuyết dân quyền để mà cổ động sĩ khí dân tình, tôi thực hành cái phương pháp ấy thì tôi làm cái lối khẩu thuyết vô bằng[18] mà hô hào quốc dân đồng bào, đồng tâm hiệp lực, kết đoàn hợp xã, dân tình thức tỉnh, kháng thuế cự sưu, tố giác tham quan lại nhũng, lại bất hợp tác từ cái này đến cái nọ, dân chúng Đông Tây vỗ nên bộp mà đòi lại lợi quyền.

Cái lối khẩu thuyết vô bằng, mình có thể phơi bày hết điều hơn lẽ thiệt, ngộ ai có phản nghịch tố giác, cũng chẳng có chứng cớ minh bạch mà làm tù, làm tội nặng mình được. Đương nhiên, cái lối đó cũng khó bề kéo dài, họ ắt vịn cớ này, cớ nọ để làm tội làm tình, thế nhưng cái lúc đó vị tất không có người trực tiếp cái lối của mình hay sao? Cứ như cái hồi cự sưu có anh Châu Thơ Đồng[19], há chẳng dùng lối ấy mà hô hào dân chúng cho đến khi không còn nói ra tiếng rồi chết, ấy là sự thật đã qua. Còn ngày nay, cũng làm cái lối ấy, chẳng may bị sa cơ, thể tất lại chẳng có người nối tiếp mình thức tỉnh nhân quần, bằng cái lối đó chắc là cuồn cuộn dâng lên, rồi một ngày kia khác nào như ngọn thủy triều lôi cuốn mất cường quyền áp chế. Bởi vậy, anh coi cái lối của tôi mà tốt, thì anh cứ thể nghiệm. Anh mà làm theo tôi sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ… chớ mà anh khư khư cái lối của anh, cứ ở bên này viết báo chương, hô hào lý thuyết, thì tôi e rằng công dày mưu cao của anh cứ lần hồi mà mai một.

Tôi là một người có án tích, lại cư trú bên này, chân tay bị bó rọ, thế mà tôi cứ có nguyện vọng sẽ xin chính phủ và bộ Pháp quốc hải ngoại cho tôi về Tàu làm cái nghề viết báo chữ Hán mà kiếm sống rồi may ra có cơ hội tôi lại về. Một khi mà tôi đặt chân lên quê hương xứ sở, tôi nguyện đem hết nghị lực bình sanh mà thức tỉnh dân khí ba kỳ đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế…

Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh, đã rõ nguồn cơn. Bây giờ, thân tôi tợ chim lồng cá chậu. Vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi, anh cứ quanh quẩn bên này, thời làm sao mà tài năng của anh thi thố được? Bởi vậy, tôi thành tâm khuyên anh, mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ đi, để mà mưu đồ đại sự. Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở.

Người bạn kính thư
Phan Châu Trinh





Đám tang Phan Châu Trinh ngày 04/04/1926 được nhân dân cả ba kỳ tham
dự rất đông đảo. Riêng ở Sài Gòn có hơn 100.000 người đi theo linh cửu
(dân số Sài Gòn-Chợ Lớn lúc bấy giờ là 345.000 người). Trong báo cáo cho
Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc viết: "...trong lịch sử người An Nam
chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ"



    Chú thích:

    1. Ba Lê tức Paris

    2. Mạnh Đức Tư Cưu tức Montesquieu (1689-1755), nhà văn và triết gia Pháp với các tư tưởng sâu sắc về lịch sử quan và các thể chế chính trị

    3. Lư Thoa tức Rousseau (1712-1778), nhà văn và triết gia Pháp với các lý thuyết chính trị và giáo dục mở đường cho Cách mạng Pháp và ảnh hưởng sâu đậm đến triết học chính trị ở cả thế kỷ 19 và 20

    4. Phan ở đây là Phan Văn Trường (1875-1933), tiến sĩ luật học và nhà báo, là một trong những khoa bảng người Việt đầu tiên tại Pháp, tích cực ủng hộ và hoạt động cùng các chí sĩ Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền (nhóm tác giả vận động chống chế độ thực dân ở Đông dương với bút hiệu Nguyễn Ái Quốc mà sau có Nguyễn Tất Thành tham gia)

    5. ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội: ngồi ngoài gọi người giỏi, đợi thời cơ mà về bất ngờ

    6. tử mã lục thạch: theo Hoàng Xuân Hãn thì theo Hán văn thuần túy câu này không có nghĩa, nếu dịch đùa (từng chữ) thì nghĩa lóng sẽ là "con ngựa thích đá" hoặc "ngựa con thích đá". Có thể đây là thành ngữ “cân tử mã sáu hộc”, nghĩa là cân non, ý nói tính còn non nớt (theo Huình Tịnh Của - Đại Nam Quấc âm tự vị, Sài Gòn 1898)

    7. Mã Khắc Tư tức Marx

    8. Lý Ninh tức Lenin (Ленін)

    9. Đức Ý Chi tức nước Đức

    10. Anh Cát Lợi tức nước Anh

    11. Nga La Tư tức nước Nga

    12. Phát La Tây có thể là Phần Lan?

    13. Lang Sa (hay Pháp Lang Sa, Phú Lang Sa) là nước Pháp

    14. qui sào giác thế: trở về quê hương để thức tỉnh mọi người

    15. Phù Tang tức nước Nhật

    16. di ngoại đột nội: ra rồi chợt vào

    17. khẩu xướng đối nhân, dụng nội triệt ngoại: nói rõ với người, lấy trong trừ ngoài

    18. khẩu thuyết vô bằng (hay khẩu thiệt vô bằng): lời nói bay đi, không còn bằng cớ

    19. Châu Thơ Đồng, tên thật Châu Thượng Văn (1856-1908), tham gia phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu ở Hội An. Ông bị Pháp bắt trong vụ đấu tranh kháng thuế tại Trung Kỳ, tự nhận chỉ một mình khởi xướng và tuyệt thực chết tại nhà lao Huế. Huỳnh Thúc Kháng ghi lại lời nói khảng khái của ông lúc gặp gỡ lần cuối ở nhà lao Hội An: "Tôi làm cái dễ, còn anh em gắng gánh lấy sự khó".

    Tham khảo:

    * Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp (1911-1925), Nxb Đông Nam Á, Paris, 1983, và Nxb Văn Nghệ TP.HCM & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, TP.HCM, 2000

    * Phan Châu Trinh – Toàn tập (I, II và III), Nxb Đà Nẵng, 2005

19 May 2008

Giàu nghèo

Chính phủ Đức vừa công bố kết quả tạm thời của báo cáo mới về tình trạng giàu nghèo trong xã hội Đức. Theo đó, hố ngăn cách giàu nghèo ở nước này ngày càng đào sâu. 13% dân số sống nghèo, 13% khác cũng sẽ rơi vào tình trạng này nếu không có trợ cấp của nhà nước. Mặt khác, thu nhập của giới giàu lại tăng lên đáng kể.

Như vậy là cứ 4 người dân Đức là có 1 người nghèo, hay thực tế sẽ nghèo nếu phải tự xoay sở. Con số này thoạt nhìn có vẻ trái ngược với một quốc gia thành viên của G8 - tức là một trong 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới - như Đức. Cho nên có lẽ nên phân biệt rõ ràng thế nào là "nghèo".

Có cái nghèo ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn. Nghèo ở đây là thiếu thốn trầm trọng những phương tiện tối thiểu để sinh tồn mà người ta còn gọi là nghèo tuyệt đối. Nghe có vẻ từ chương, nhưng đằng sau khái niệm này chỉ đơn giản là đói khát vì thiếu ăn thiếu uống, là không đủ áo quần để che thân, là không chỗ trú nắng mưa, là không được điều trị và không có thuốc men khi bệnh tật, là sống lây lất vất vưỡng trong những tình trạng tồi tệ không xứng đáng với con người... Dĩ nhiên người dân Đức - nói chung - không đến nổi lâm vào cái nghèo tuyệt đối này. Cái nghèo người ta khảo sát ở đây là nghèo tương đối. Nếu phải định nghĩa cái nghèo này theo lối sách vở thì cũng lắm cách. Nghèo tương đối trên cơ sở điều kiện sống là khi sự thiếu thốn các phương tiện vật chất, văn hóa và xã hội buộc con người phải sinh hoạt ngoài lề cuộc sống bình thường trong một quốc gia. Một hướng tiếp cận khác là xét cái nghèo tương đối trên cơ sở cơ hội phát triển (capabilities) của con người mà Amartya Sen đề ra. Theo đó thì người ta nghèo khi thiếu đi những cơ hội để tự phát triển một cuộc sống trên căn bản tự do, chẳng hạn như được học hỏi, đào tạo, làm việc, tổ chức cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội, chính trị, hay ngay cả sắp xếp, định đoạt các mối quan hệ hay các thú vui giải trí.

Tuy vậy, để phân định rõ lằn ranh giàu nghèo thì người ta lại dùng khái niệm nghèo tính theo mức thu nhập. Liên minh Âu châu đặt lằn ranh nghèo ở mức 60% của giá trị thu nhập ròng trung vị (median) trong một quốc gia (chính xác thì phải hiểu là ai có thu nhập ròng dưới mức này chỉ có "nguy cơ nghèo", vì thu nhập xét ở đây không bao gồm cả tài sản có thể đã có sẵn). Thật ra nguyên tắc này có nhiều khiếm khuyết vì tương đối hóa cái giàu nghèo còn nhiều hơn các phương thức tiếp cận đã nói ở trên. Giả sử 80% dân số của một quốc gia nào đó lâm vào tình trạng nghèo tuyệt đối (tiếc là những quốc gia như vậy tuy không có ở châu Âu nhưng không hẳn chỉ có trên lý thuyết), thì theo cách tính này vẫn có 50% dân số có mức thu nhập trên mức trung vị, và như vậy còn nhiều hơn nữa không bị kể là nghèo, trong khi họ thực sự vẫn thiếu ăn thiếu mặc theo cách nhìn tuyệt đối. Giá trị thu nhập trung vị của Đức hiện ở mức không quá thấp (khoảng 1.302 €/tháng/người) nên tính chính xác của báo cáo nói ở đầu bài có thể chấp nhận được.

Mà không phải chỉ cái nghèo mới khó định được xác đáng, cả cái giàu có khi cũng chỉ tương đối mà thôi. Như trong câu chuyện kia kể về một cậu bé con nhà trọc phú từ nhỏ chỉ sống trong nhung lụa một hôm được cha dẫn đi "thực tế". Ý người cha là muốn con mình tận mắt thấy được cái nghèo ra sao. Ông ta dẫn con ra vùng sâu vùng xa, sinh hoạt vài ngày cùng một gia đình nông dân nghèo khó. Trên đường về ông hỏi cậu bé: "Con đã hiểu ra cái nghèo chưa?". Em suy nghĩ giây lâu rồi trả lời: "Con thấy mình chỉ có một con chó còn họ có đến bốn con. Nhà mình có một hồ bơi nhỏ còn chỗ họ có cả một con sông rộng ngút ngàn. Vườn nhà mình có vài ngọn đèn thắp sáng trong khi ở đó đêm đến trời vằng vặc ánh sao. Đứng ở cửa nhà mình nhìn ra đến cuối ngõ còn họ thì trông thấy cả chân trời. Mình ở trên một khu đất tương đối rộng nhưng họ được sống với đồng ruộng bao la. Mình phải đi mua lương thực, còn họ được tự trồng lấy mà ăn. Quanh nhà mình có hàng rào bảo vệ trong khi họ có bao nhiêu bà con chòm xóm chở che..."

Người cha nghe con nói mà lặng người. Ông chưa kịp đáp lại thì đã nghe cậu bé tiếp lời: "Cám ơn cha đã cho con thấy chúng ta nghèo thế nào."

14 May 2008

Sách đi vòng thế giới

Thời buổi này sách vở mua về đọc xong chẳng phải để cất lên kệ, đặt vô tủ, giữ làm của, để rồi họa hoằn lắm mới (miễn cưỡng) đem cho ai đó mượn đọc. "Đối xử" với sách như vậy xem chừng không hợp lắm với phong cách sống hiện đại. Hay ít nhất là không tiêu biểu cho thế hệ Web 2.0.

Vậy thì nên làm gì với sách? Nên cho chúng lên đường viễn du! Đó là ý tưởng của bookcrossing.com, nay đã trở thành một phong trào rộng lớn với gần 700.000 người từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Để gửi một quyển sách nào đó lên đường rong ruổi, bạn có thể cố ý ...bỏ quên nó trong quán cà phê chẳng hạn. Hay trên xe buýt, trên ghế đá công viên, trong phòng đợi khám bệnh... nói chung là ở một nơi công cộng nào đó để quyển sách sớm được người khác nhặt lên đọc. Và sau đó lại được "gửi" đi tiếp, như ghi chú ngay bìa trong quyển sách đã yêu cầu: "Khi nào đọc xong, bạn vui lòng chuyển quyển sách này cho một người khác mà bạn nghĩ có thể cũng thích đọc."
Mỗi quyển sách trên đường du hành đều mang một số hiệu đơn nhất (BCID) cấp bởi bookcrossing.com. Cơ sở dữ liệu trên trang web này cho phép ghi lại đầy đủ nhận định của những người đọc về nội dung cùng với địa điểm, thời gian và tình tiết dọc đường gió bụi của quyển sách. Tất nhiên là không phải người nào nhận được quyển sách đều là thành viên của bookcrossing.com, nhưng không ít người đã nhân dịp này gia nhập, hay ít nhất là vào trang web của hội để cập nhật hành trình của quyển sách.


Ron Hornbaker nảy ra và thực hiện ý tưởng cho sách du hành vào 2001. Từ đó, câu lạc bộ sách lưu động miễn phí này ngày càng đông đảo thành viên (hiện trung bình mỗi ngày có thêm khoảng 300 người từ cả 5 châu gia nhập). Trên bước đường lưu lạc, sách đã đẩy con người xích lại gần nhau với vô số những cuộc hội thảo, họp mặt, gặp gỡ diễn ra khắp nơi trên thế giới. Và nghe đâu cũng đã kết nối không ít mối tơ duyên.

12 May 2008

Hoa lễ mẹ

Lễ mẹ là một ngày lễ tượng trưng, tùy theo quốc gia mà được quy về nhiều nguồn gốc khác nhau, và được định vào những hạn kỳ khác nhau. Có nơi rất sớm như Na Uy (chủ nhật thứ nhì của tháng hai) hay Anh (chủ nhật thứ tư trong thời gian chay tịnh trước lễ Phục Sinh, thường rơi vào tháng ba), có nơi rất trễ như Á Căn Đình (Ác-hen-ti-na, chủ nhật thứ nhì của tháng mười) hay Nga (chủ nhật cuối của tháng mười một). Người Việt thì đa số dành lễ Vu Lan vào rằm tháng bảy âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến mẹ. Cho nên nói chung thì đây là một ngày lễ cực kỳ di động, tùy nơi, tùy năm và cũng tùy theo ...lịch in ấn thế nào! Vì sao? Vì ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày lễ mẹ là một ngày lễ không chính thức, chỉ được qui ước theo truyền thống, và nếu không trùng với chủ nhật hay một ngày lễ chính thức khác (chẳng hạn ở Costa Rica, nhằm lễ Đức mẹ thăng thiên) thì vẫn là một ngày làm việc bình thường. Qui ước ngày lễ mẹ phổ biến nhất - vì được gần ba mươi quốc gia chọn, trong đó có Nhật, Úc, Mỹ, Trung quốc, bên cạnh nhiều nước ở Âu châu - là ngày chủ nhật thứ nhì của tháng năm.

Lễ mẹ thì thông thường người ta tặng quà cho các bà mẹ. Hay ít nhất là ở thời buổi mà mọi thứ đều được thương mại hóa như ngày nay. Và tặng gì? Đủ cả, khắp nơi người ta ráo riết quảng cáo các mặt hàng khả dĩ có thể làm quà cho các bà mẹ. Từ sách báo, bánh kẹo cho đến trang sức, mỹ phẩm. Và nhất là hoa. Hoa là món quà vừa tự nhiên, vừa đẹp. Đẹp hương, đẹp dáng, đẹp trong sự thanh tao, đẹp với vẻ mỏng mảnh. Không chỉ ngày nay, tặng hoa từ ngàn xưa đã trở thành một giá trị bất di bất dịch của văn minh loài người. Cho nên đối với các cửa hàng bán hoa, ngày lễ mẹ là một trong những ngày làm ăn lớn không thể bỏ qua. Riêng ở Đức, thống kê cho biết doanh thu về hoa chỉ trong ngày lễ mẹ lên đến khoảng 130 triệu Euro (hơn xa ngày lễ Valentine), với khuynh hướng ngày càng tăng. Cho nên hoa tặng từ lâu đã trở thành một công nghiệp lớn với qui trình sản xuất và phân phối qui mô. Trong thời đại toàn cầu hóa này, hoa tặng cho thị trường Âu châu được gây và chọn giống ở Hòa Lan, trồng và gặt hái ở Kenia, Uganda, Tansania, Ethiopia (Phi Châu), ở Ecuador, Colombia (Nam Mỹ), ở Ấn độ và Trung quốc (Á châu), ướp lạnh và chở về phân phối cho các dây chuyền cung cấp lớn tại Âu châu. Và cũng như trong các ngành công nghiệp khác, không khỏi có nhiều vấn đề tồn tại (có thực hay được thổi phồng có dự tính) như bóc lột công nhân, lao động trẻ em, sử dụng hóa chất độc hại để trừ sâu diệt trùng. Cũng theo thống kê, lương tháng bình quân của một bà mẹ làm việc quần quật trên những trang trại trồng hoa Phi châu chưa đủ để mua được cho mình một chục đóa hoa hồng loại đẹp với giá thành ở các cửa hàng hoa Âu châu. (Nhưng không có được việc làm này, họ cũng sẽ không có được nguồn thu nhập mà ở xứ họ thường khi nuôi được cả một gia đình.)

Doanh thu và lợi nhuận lớn như vậy nên năm nay ở Đức người ta tranh cãi, thậm chí kiện tụng nhau ầm ỹ về ngày lễ mẹ. Chỉ vì chủ nhật thứ nhì của tháng năm 2008 lại trùng với ngày lễ Thất tuần (hay còn gọi là ngày thánh thần hiện xuống) của đạo Thiên chúa. Vì đây là một trong những lễ truyền thống lớn của xã hội Đức, luật lệ hiện hành nghiêm cấm mọi hoạt động thương mãi trong ngày này, không khoan nhượng như những ngày chủ nhật bình thường, và như vậy tất nhiên các cửa hàng hoa thảy đều phải đóng cửa. Đòi hỏi và kiện cáo không thành công, các hiệp hội buôn bán hoa đưa ra đề nghị dời ngày lễ mẹ lại trước một tuần. Nhưng tuy ở Đức không có một cơ quan nào chính thức qui định hạn kỳ ngày lễ mẹ, họ vẫn chịu bó tay, không thực hiện được việc dời đổi này. Đơn giản chỉ vì lịch sách đã in và lưu hành rộng rãi, báo chí và truyền thông cũng phổ biến ngày tháng từ lâu, không còn rút lại được nữa. (Mãi đến năm 2035 mới lại trùng ngày như vậy lần nữa, tháng rộng ngày dài, tìm ra giải pháp êm đẹp cho mọi đàng khi đó chắc sẽ không khó mấy.)

Cho dù vậy, hy vọng các bà mẹ Đức (và các nơi khác) vẫn được ưu ái thật nhiều trong ngày lễ mẹ này, bằng cách này hay cách khác, với hoa tặng hay với tấm lòng... Và không chỉ vào ngày này mà thôi.

02 May 2008

Rước đuốc Thế vận

Nghi thức rước đuốc Thế vận hội thật ra chẳng có gì là thiêng liêng, và chắc chắn là không bắt nguồn từ những cuộc tranh tài Thế vận thời cổ đại ở Hy Lạp như nhiều người vẫn nghĩ. Ngay cả ngọn lửa "thiêng" Thế vận hội cũng chỉ được đốt lên lần đầu vào năm 1928 ở Amsterdam, Hòa Lan. Khi bắt đầu chuẩn bị tổ chức Thế vận hội 1936 tại Berlin, Đức, một viên chức cao cấp của Ủy ban Thế vận quốc gia Đức là Carl Diem đã đề ra ý kiến đốt lên ngọn lửa tại khu di tích Olympia ở Hy Lạp và tổ chức chạy tiếp sức đưa ngọn lửa bằng đuốc về địa điểm tranh tài ở Berlin. Nghi thức này được Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Joseph Goebbels hết sức tán thành và khai thác thành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để tuyên dương sự hùng mạnh của dòng giống Arier và thể chế Đức quốc xã. (Đức quốc xã vốn coi chủng tộc Arier thực ra chỉ có trong huyền thoại này là siêu đẳng, có đặc quyền thống trị mà họ và các chủng tộc gốc Đức ở Trung và Bắc Âu là những hậu duệ chính thống).
Công cuộc rước đuốc Thế vận này được tổ chức thật sự chu đáo, với những biện pháp tuyên truyền nay đã trở thành kinh điển: ngọn lửa được đốt lên ở Olympia và các địa phương đi ngang vào "giờ linh" giữa Ngọ, kèm theo lễ nghi trọng thể với diễn văn của chức sắc sở tại và hội chợ ăn mừng cho dân chúng địa phương, khắp nơi rền vang tiếng trống nhạc và những hồi chuông đổ dồn, khung cảnh rực rỡ với cả rừng cờ chữ vạn của Đức quốc xã, các đài truyền thanh tập trung phát đi từng giờ diễn biến của cuộc rước đuốc kéo dài 3.075 cây số, xuyên qua 7 quốc gia, với các lực sĩ cầm đuốc thảy đều tóc vàng, mắt xanh, biểu tượng tinh anh của nòi Arier (!).



Cảnh đuốc về đến Berlin trong phim "Olympia" (1938)
của Leni Riefenstahl, nay đã trở thành kinh điển của
điện ảnh tuyên truyền


Khí thế uy vũ đến nổi, khi đuốc Thế vận về đến thành Wien, Áo quốc, phe Quốc xã Áo đã rầm rộ biểu tình đòi tự nguyện sát nhập Áo quốc vào Đế chế đệ tam của Đức (điều mà không lâu sau đó đã trở thành hiện thực, với những lý lẽ không cưỡng lại được là gót giày nhà binh của quân đội Đức). Dù dọc theo lộ trình ở một vài nước đã có ít nhiều phản đối chế độ phát xít Đức, nói chung cuộc rước đuốc vẫn đạt kết quả ngoài sự mong đợi của bộ máy tuyên truyền Đức quốc xã. Chỉ có một ngoại lệ đáng kể là dân chúng Tiệp khắc đã ào ạt xuống đường phản đối, thậm chí đã dập tắt ngọn lửa khi về đến Praha. Lý do là trên bản đồ lộ trình rước đuốc, các vùng đất của Tiệp đang trong vòng tranh chấp với Đức vì có nhiều dân gốc Đức cư ngụ (Sudetenland) đã bị vẽ nhập vào lãnh thổ Đức (việc mà chỉ 2 năm sau sẽ diễn ra cả trên thực tế).



Lễ khai mạc Thế vận hội Berlin 1936 với nhiều đoàn
lực sĩ còn rất vô tư trong tư thế chào Heil Hitler


Lịch sử đôi khi có những sự lập lại bất ngờ. Lộ trình rước đuốc của nước tổ chức năm 2008 cũng tự ý vẽ một khu vực tranh chấp về hẳn phần họ (tuy rằng hầu như không có sự phản đối nào được ghi nhận). Năm 1936, việc tham gia hay tẩy chay Thế vận hội Berlin cũng đã là đề tài tranh luận sôi nổi khắp nơi, vì tận những ngày đó thế giới đã ngờ ngợ thấy được chính sách phân biệt và đàn áp chủng tộc của chế độ phát xít này sẽ dẫn về đâu.

Chuyện một người lính

Trong thế chiến thứ hai, Hòa Lan - mặc dù tuyên bố trung lập - vẫn bị Đức chiếm đóng hoàn toàn. Trị trấn Goirle cũng vậy, thời đó nằm trọn trong tay quân đội Đức và rất căm ghét bọn giặc thù xâm lược này. Một ngày thứ sáu của tháng 10 năm 1944, anh lính Đức trẻ tuổi Karl-Heinz Rosch, năm đó vừa 18, chập chững bước vào trận tuyến khốc liệt tại đây. Giữa buổi trưa đầu thu, bãi chiến trường đang ngập ngụa khói súng của phe Đồng minh đang từng bước tiến dần tới, Rosch bỗng trông thấy hai đứa bé đang chơi đùa thản nhiên như bỏ ngoài tai tiếng bom đạn vang rền kề bên. Không chút nghĩ ngợi, anh ta vội vàng chạy đến, thả súng xuống và xốc hai đứa nhỏ chạy về ngôi nhà gần đó giao cho bà mẹ chúng. Khi chạy ra trở lại lượm súng, anh ngã gục vì một trái lựu đạn bay tới nổ dưới chân, ngay chỗ hai đứa bé khi nãy còn ngồi chơi.

Câu chuyện chắc sẽ nằm yên trong ký ức, nếu như không có một số người dân Goirle sau 64 năm vẫn không quên người lính trẻ tuổi của đoàn quân xâm lược và muốn dựng một bức tượng tưởng nhớ Rosch. Mẫu mã đã xong, giờ họ đang quyên góp để đúc tượng (chuyện nhỏ) và xin phép địa phương được đặt tượng ở một nơi công cộng trong thị trấn (chuyện lại không nhỏ chút nào). Khó ở đâu? Ở Hòa Lan không thiếu nơi tưởng niệm chiến sĩ các bên tử trận, kể cả quân Đức. Nhưng khác với những bảng đồng, bia đá hay các kiến trúc trừu tượng khác, bức tượng này tạc lại hình ảnh một người lính trẻ trong bộ quân phục Đức quốc xã với chiếc nón sắt đặc trưng, cho dù hai tay anh ta không cầm súng mà là đang cắp nách hai em nhỏ. Thế là cả xứ Hòa Lan tí tẹo lại chìm ngập trong những cuộc khẩu chiến, bút chiến. Rằng cha, anh, đồng hương của Rosch không qua xâm lăng nước này thì đã cần ai phải cứu hai đứa nhỏ. Rằng chính hình ảnh người lính Đức xâm lăng như vậy mới nói lên được cái dũng, cái nhân vẫn tồn tại đâu đó trong con người, cho dù dòng máu nào, sắc áo nào đi nữa. Rằng thật ra Rosch được tưởng nhớ vì đã ngã gục khi cúi xuống lượm súng, mà anh ta cũng chỉ là một người lính đang tham gia trực diện cuộc chiến thì sao lại được "ưu đãi" hơn bao nhiêu người khác của cả hai bên? Rằng để xóa đi sự thù hận vẫn còn lẩn quất, phải cho thế hệ hôm nay hiểu được chẳng phải chỉ có những tên lính Đức khát máu, mà cũng có những thanh niên xứ láng giềng như Rosch, tuy bị đẩy đưa cầm súng xâm lược nhưng vẫn không quản tính mạng để cứu trẻ em vô tội...


Tranh luận còn sôi nổi thì đã nghe tin các nhóm Tân Quốc xã (dĩ nhiên là của Đức) lại nhân dịp này vận động rình rang, bảo khi nào tượng dựng xong sẽ rầm rộ kéo sang "hành hương", viếng "chiến hữu anh hùng" của họ...

Thế giới này là như vậy thôi, ngặt là chẳng còn thế giới nào khác để mà chọn lựa.

13 April 2008

Ảnh khỏa thân và từ thiện

Cách đây vài ngày người ta tổ chức đấu giá một bộ sưu tập ảnh nghệ thuật ở Christie's, New York. Trong số 135 bức ảnh do nhà sưu tầm Gert Elfering từ München cung cấp, có một bức ảnh khỏa thân nghệ thuật của Carla Bruni-Sarkozy, phu nhân của Tổng thống Pháp đương thời. Bức ảnh này do nhà nhiếp ảnh Michel Comte chụp năm 1993, trong thời gian Carla Bruni đang là một người mẫu sáng giá. Trái với phỏng định ban đầu là bức ảnh sẽ đổi chủ ở mức giá 3.000-4.000 dollar Mỹ, giá trả cao nhất lên đến những 91.000 USD.



Ảnh: Michel Comte / Christie's Images Ltd. 2008

Thoạt đầu, nhà sưu tầm Gert Elfering muốn tặng số tiền thu được với bức ảnh này cho Bệnh viện trẻ em Kantha Bopha ở Kampuchia, song Beat Richner, người xây dựng và điều hành hệ thống các bệnh viện này ở Nam Vang và Siem Reap, đã lên tiếng từ chối với lý do là không muốn "tầm thường hóa" ý nghĩa của hội từ thiện Kantha Bopha mà ông ta sáng lập. Richner nói thêm là món tiền "từ một bức ảnh như vậy" có thể sẽ làm cho những người ủng hộ hội của ông ta "lấy làm kỳ".

Kỳ hay không thì số tiền lớn này nay sẽ được dự án nghiên cứu lọc nước SODIS (Solar Water Disinfection) của viện Eawag, Đại học ETH Zürich Thụy Sĩ, hoan hỷ đón nhận và sẽ dùng để mang lại nguồn nước sạch, nâng cao sức khỏe và bảo vệ mạng sống cho hàng ngàn trẻ em ở các nước nghèo.

Được biết, chính Michel Comte, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng và tác giả của bức ảnh trên, đã ủng hộ cho chiến dịch tạo nguồn nước sạch cho trẻ em các nước nghèo từ nhiều năm nay. Ông ta đưa ra so sánh: "mỗi ngày, số trẻ em trên thế giới tử vong do thiếu nước sạch bằng với số lượng hành khách thiệt mạng khi 30 phi cơ phản lực hạng lớn rơi".

Trước một thực trạng như vậy, liệu những cái kỳ hay tầm thường có còn ý nghĩa gì nữa hay không?

11 April 2008

John Law, người tạo dựng "triệu phú"

Mới đây - nhân thị trường tài chính thế giới có vẻ bắt đầu khủng hoảng nghiêm trọng - người ta lại nhắc đến John Law, người đã đem đến cho rất nhiều người dân thường của xã hội Pháp vào đầu thế kỷ 18 một gia tài kếch sù chỉ sau một khoản thời gian cực ngắn, và không lâu sau đó cũng làm cho không ít người khác phải tán gia bại sản.

John Law là một nhân vật để lại nhiều hình ảnh khá tương phản: kẻ hoang đàng, chuyên gia tài chính, tay cờ bạc, nhà kinh doanh ngân hàng, tên giết người, cố vấn hoàng gia, tứ cố vô thân, ... Sinh trưởng tại Edinburgh, Tô Cách Lan, trong một gia đình giàu có, John Law sớm có cơ hội tiếp xúc và học hỏi về ngành tài chính. Khăn gói lên London để tiếp tục việc học, ông lại sa vào thế giới ăn chơi và cờ bạc của tầng lớp thượng lưu ở đó. Cờ bạc cho John có lúc thừa thải xa hoa, nhưng cũng không khỏi đưa đến nợ nần chồng chất, tuy ông ta nhờ biệt tài tính toán mà thường thu về phần thắng. Năm 1694, sau khi bị xử án nặng do giết chết đối thủ trong một cuộc tỉ thí, John vượt ngục và trốn sang Âu châu lục địa.

Thời gian đầu ở Amsterdam ông có cơ hội học hỏi tiếp về tài chính và đã đề ra những chính sách kinh tế mới lạ cho thời bấy giờ. John Law cho rằng kinh tế sẽ phát triển được mạnh mẽ nếu lưu lượng tiền tệ có điều kiện luân chuyển nhanh và nhiều. Và ông tin rằng tiền giấy là phương tiện rất thuận lợi cho việc này. Thời đó, tiền giấy không phải là điều mới lạ nữa, nhưng hầu như chỉ hạn chế trong vai trò tín dụng chứ không được dùng rộng rãi trong thương mãi và đời sống. Một ngoại lệ rất sớm là tiền giấy “Thông bảo hội sao” của Hồ Quý Ly (khi đó chưa cướp ngôi nhà Trần) phát hành năm 1396. Sử ghi rằng Hồ Quý Ly muốn thu hồi kim loại để đúc vũ khí nên cho áp dụng chính sách sử dụng tiền giấy thật triệt để. Nhưng cũng chính vì phương cách thi hành đột ngột và độc đoán này (phạt nặng ai còn xài tiền kim loại) mà người dân Việt thời bấy giờ sau nhiều năm vẫn không có lòng tin vào tiền giấy và cơ chế điều hành tiền tệ, trở lại trao đổi thẳng bằng sản phẩm hay hiện vật.

John Law lưu lạc sang Pháp quốc giữa lúc vương quốc này vào cuối đời vị vua Mặt trời (Louis XIV) đang khánh kiệt về tài chính do phải trang trải phí tổn khổng lồ của các cuộc chiến tranh vừa chấm dứt. Năm 1717, hoàng thân nhiếp chính Philippe ďOrleans tán thành ý tưởng của John Law và cho phép ông thực hiện đề án của mình: phát hành tiền giấy qua một ngân hàng trung ương để phát triển kinh tế, cùng lúc cho phép kinh doanh khai thác lợi nhuận từ thuộc địa Mỹ châu để trang trải ngân sách quốc gia. Tiền "livres tournois" ra đời ("livre" thật ra là một đơn vị tài khoản đã có từ thời Trung cổ, 10 "livres tournois" mới phát hành = 1 đồng Louis vàng = 2 đồng écu bạc).



Giấy bạc 100 livres tournois, đợt phát hành 1720


Cùng với Banque Générale, sau đó đổi tên thành Banque Royale khi trữ kim được cất giữ ở đây, John Law mở Compagnie de la Louisiane ou ďOccident với độc quyền khai thác lợi nhuận từ khu vực Bắc Mỹ thuộc Pháp trong vòng 25 năm.

Quarter dollar kỷ niệm Hoa Kỳ thương lượng mua lại
vùng Louisana thuộc Pháp 1803 (ảnh: US Mint)
Khu thuộc địa này trải rộng trên một diện tích gần 1/3 nước Mỹ ngày nay, kéo dài từ Mexico lên đến Canada, bao trọn các vùng đất con sông Mississippi và các phụ lưu chảy qua, nên thời đó người ta thường gọi tắt là công ty Mississippi. Chính ra kế hoạch khai thác Mississippi này rất có khả năng thành công như dự tính, tuy vùng này ngày đó không được trù phú và lắm tài nguyên như công ty đã khéo léo vẽ ra viễn ảnh rực rỡ. Và vì John Law bán cổ phiếu công ty với điều kiện khá dễ dãi là chỉ đóng tiền đầu bằng 1/10 mệnh giá nên dân chúng Pháp lúc ấy - kể cả giới hạ lưu với chút tiền dành giụm - cũng đổ xô vào mua cổ phần. Thế là quả bóng "công ty Mississippi" phồng lên nhanh chóng. Mệnh giá ban đầu của một cổ phiếu là 150 livres tournois, chỉ sau vài tháng đã tăng lên gần 10.000 livres. Đầu năm 1720, khi công ty qui định tiền lời là 40% và cùng lúc lại có lời đồn đại là vừa tìm được trữ lượng quý kim rất lớn ở Mississippi, giá cổ phiếu nhảy vọt lên đến 18.000 livres!

Thời gian này, có rất nhiều người chỉ từ một khoản tiền nhỏ mà một sớm một chiều đã tạo được gia sản khổng lồ. Một giai thoại khá phổ biến kể lại một nữ bá tước kia ở Paris một hôm đến công ty Mississippi để thăm dò tình hình cổ phần của mình thì bỗng nhận ra bà bếp của mình ăn vận rất sang trọng cũng đang đứng đó thương lượng cổ phần hàng triệu livres. Sau phút đầu ngỡ ngàng, bà bá tước bĩu môi bảo "Millionnaire!" và khinh bỉ quay đi. Từ đó, danh từ "triệu phú" (với ý nghĩa ban đầu mang tính cách miệt thị) nảy sinh.



Người đầu tư tụ họp trước cửa công ty Mississippi ở đường Quincampoix


Do nhu cầu đầu tư quá lớn từ dân chúng Pháp và các quốc gia lân cận, John Law cho phép phát hành livres tournois quá đà và không lâu gây ra lạm phát nặng nề. Giá sinh hoạt và nhất là đất đai tăng cao, một phần do nhu cầu vật chất nảy sinh từ số người khá lớn bỗng dưng giàu có. Khi giá cổ phiếu lên đến đỉnh cao 18.000 livres cũng là lúc một số người bắt đầu bán ra một số lượng lớn cổ phiếu để thu lợi. Hiệu ứng bầy đàn đã dẫn theo ngày càng nhiều người hơn muốn bán. Thế là quả bóng đang phồng to phải vỡ tung. Mùa hè 1721, giá trị cổ phiếu công ty Mississippi đã tuột xuống thấp hơn mệnh giá ban đầu. Cộng vào đó, dân chúng cùng lúc cũng mất lòng tin ở tiền livre tournois và trở về với kim ngân. Ngân hàng hoàng gia sụp đổ, nước Pháp bước vào một thời kỳ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Phải đến 70 năm sau, trong thời Cách mạng Pháp, người ta mới ban hành tiền giấy trở lại.

John Law một lần nữa lại phải bỏ xứ ra đi. Năm 1729, ông chết trong nghèo khổ và bệnh tật ở Venezia, Ý.

06 April 2008

Samurai và kiếm

Viện bảo tàng lịch sử Speyer của vùng Pfalz, Đức quốc, đang có chương trình triển lãm về văn hóa Samurai của Nhật Bản. Giới samurai này ngày nay được hiểu rộng rãi là tầng lớp võ sĩ Nhật Bản, phục vụ về quân sự cho các triều đình Thiên hoàng, hay các mạc phủ (shogun) và lãnh chúa địa phương. Lịch sử samurai bắt nguồn trong thời Heian (794-1185), kéo dài cho đến thời phục hưng đế chế Meiji (1868-1912), khi Thiên hoàng Mutsuhito phế bỏ tất cả các đặc quyền của tầng lớp này để xây dựng một quân đội theo mô hình hiện đại, mặc dù chính các samurai đã có công giúp ông thu hồi quyền hành về một mối. Cả đặc quyền được đeo song kiếm (trường kiếm katana và đoản kiếm wakizashi) - vốn là biểu tượng lâu đời và cao quý dành riêng cho samurai - cũng bị phế bỏ vào năm 1876. Về sau chỉ có sĩ quan của quân đội Thiên hoàng là còn được phép đeo đơn kiếm katana.



Samurai không còn nữa, nhưng cho đến ngày nay kiếm Nhật vẫn giữ vai trò biểu tượng cao quý. Các thanh kiếm Nhật cổ xưa được coi như những linh vật vô giá. Kiếm Nhật thường được tiếng là rắn chắc và cùng lúc lại sắc bén dị thường. Từ xưa người ta đã sùng bái kỹ thuật rèn kiếm cổ xưa của Nhật, coi đó là những tuyệt kỹ về luyện kim, và được trân trọng như bí kiếp gia bảo. Để tạo thành một thanh kiếm hoàn hảo, trong dẻo, ngoài rắn, các thợ rèn kiếm nổi danh phải nhẫn nại dập mỏng thép, gấp lại và cứ vậy mà rèn hàng chục lần. Kỹ thuật tôi thép cũng đòi hỏi công sức không kém, người ta đắp đất bùn bên ngoài, bên sóng nhiều hơn bên lưỡi để tạo độ rắn khác nhau và để sau khi nung đỏ và nhúng vào nước làm nguội, thanh kiếm sẽ cong đi tạo dáng đặc trưng kiếm Nhật. Những huyền thoại về kiếm Nhật sống lâu hơn samurai rất nhiều, một phần do tương tác từ thị trường đồ cổ Nhật, nhưng phần lớn chắc là từ phim ảnh Hollywood và nhất là nhờ sự lan truyền theo Internet. Một thanh katana đích thực chém đầu kẻ thù như chém cỏ thì dĩ nhiên không có gì đáng nói. Chém đổ hàng loạt cây rừng giữa lúc tập luyện hay chém đứt dây thép gai trong thế chiến thứ hai ngọt lịm như cắt chỉ thì chắc có hơi cường điệu đôi chút.

Cũng lạ, vũ khí mà con người - cả Đông lẫn Tây, và nhất là đàn ông - xưa nay vẫn chuộng nhất là thanh kiếm. Nhà phân tâm học Freud thì tất nhiên sẽ nghĩ ngay đến thuyết của ông ta. Mà thực ra, khác với các vũ khí khác như cung tên, giáo mác, có thể còn được dùng trong săn bắn chẳng hạn, kiếm là thứ chỉ dùng để gây thương tích hay lấy mạng người khác thôi (trừ một vài trường hợp khá cá biệt như đâm chết rồng hay tấn phong hiệp sĩ chẳng hạn). Các thanh kiếm tên tuổi cũng đầy rẫy trong văn hóa và lịch sử loài người: hiệp sĩ Siegfried trong truyền thuyết Nibelungen của Đức có thanh kiếm Balmung, rèn lại từ thanh Notung, được trao cho bởi chính thần Wotan; ông vua huyền thoại Arthur nhận Excalibur từ tay nữ thần hồ thiêng; vua Lê Lợi cũng được rùa thần dâng bảo kiếm để đuổi ngoại xâm; anh hùng Tây Ban Nha El Cid Campeador vung thanh Tizona giải phóng thành Valencia, hiện còn được trưng ở Madrid; thanh Curtana, tương truyền của hiệp sĩ bàn tròn Tristan, ngày nay là quốc bảo của Hoàng gia Anh... Với những thanh kiếm huyền ảo này thì dĩ nhiên kiếm Nhật không sao bì được vì tục truyền chúng chém đá trơn tru, cắt cụt hàng ngàn đao kiếm khác như cắt giấy. Mà nói về độ rắn và độ sắc thì kiếm Nhật - dù các chuyên gia đồ cổ Nhật có làm marketing khéo mấy đi nữa - cũng không sao bằng được loại kiếm làm bằng thép Damascus (thủ đô Syria ngày nay) nổi danh của người Ả Rập mà tận thời thập tự chinh đã làm cho bao hiệp sĩ Âu châu kinh ngạc và cho đến bây giờ vẫn còn được nghiên cứu say mê. Nghe nói những thanh kiếm Damascus này bén đến nỗi, một chiếc khăn lụa thả xuống lưỡi kiếm cũng bị rách đôi...

25 March 2008

Nhà văn viễn tưởng Arthur C. Clarke

Không hiểu do đâu mà ở Đức, xứ sở của triết gia và thi nhân như người Đức thường tự nhận, các tác phẩm khoa học viễn tưởng xưa nay vẫn không có được chỗ đứng như ở các nước Anh, Mỹ. Cả những tác giả danh tiếng nhất cũng chỉ được các nhà xuất bản hạng ba, hạng tư chiếu cố. Và hầu như dòng văn học này không bao giờ được lưu tâm phê bình trên báo chí. Phần người đọc cũng không khác mấy, ai muốn được cho là "trí thức" thì chớ bao giờ dại dột tiết lộ là mình cũng đọc những loại sách này. (Điều này có phần giống như hội chứng "dốt toán" khá phổ biến trong giới gọi là có tên tuổi trong xã hội: tự nhận mình là dốt toán - tốt nhất là từ tận những ngày còn học mẫu giáo - mới có cơ được mọi người thêm phần quý trọng!)

Vậy mà những ngày này lại có một ngoại lệ xảy ra. Các báo Đức lớn nhỏ, trên ấn phẩm hay trên mạng, đều đồng loạt có bài tưởng niệm Arthur C. Clarke, một trong những nhà văn khoa học viễn tưởng cột trụ của thế giới, vừa qua đời ở tuổi 90.


Không thể nào nói khác đi là cả cuộc đời mình Sir Arthur C. Clarke (ông được Nữ hoàng Anh phong Hiệp sĩ năm 1998) đã miệt mài phóng tầm mắt ra không gian. Trong thế chiến thứ hai ông phục vụ trong Không quân hoàng gia Anh, là chuyên viên radar và đã góp phần phát triển hệ thống hướng dẫn không lưu GCA (mà sau này lần đầu được ứng dụng để điều hành thành công cầu không vận cho Berlin khi Đông Đức cô lập thành phố này 1948-49). Năm 1945 ông đưa ra đề nghị phóng vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh (geostationary - có vị trí cố định tương đối với một điểm trên trái đất) để kết nối thông tin (Extra-Terrestrial Relays - Can Rocket Stations Give Worldwide Radio Coverage?, Wireless World, 1945):


Bài viết về vệ tinh của Clarke (1945) nay được lưu giữ tại Smithsonian National Air and Space Museum, Washington DC (bấm lên để mở lớn)


Hai mươi năm sau, khi vệ tinh địa tĩnh Intelsat I (Early Bird) được phóng lên với chức năng kết nối thông tin xuyên Đại Tây Dương, ý tưởng một thời bị coi là huyễn hoặc của Clarke đã trở thành hiện thực. Quỹ đạo địa tĩnh sau này được mang tên ông (Clarke Belt).

Cũng từ sau chiến tranh Clarke bắt đầu viết truyện khoa học viễn tưởng, ban đầu là các truyện ngắn đăng báo. Sau khi tốt nghiệp Toán và Vật lý ở King's College, London, ông làm việc cho Hội IEE (Institution of Electrical Engineers, nay là Institution of Engineering and Technology). Chính tại đây ông bắt đầu viết nhiều hơn, và trễ nhất là với tác phẩm Childhooďs End, Clarke bắt đầu trở thành một tác giả khoa học viễn tưởng danh tiếng. Nhưng có lẽ đại đa số quần chúng được biết đến tên tuổi ông qua bộ phim "2001: A Space Odyssey" (1968) mà ông đồng thực hiện với đạo diễn Stanley Kubrick. Trong phim này, ông đã vẽ ra viễn ảnh các trạm không gian, laptops, e-mails và một siêu máy tính có nhân tính (HAL, với ngụ ý là hóa thân của IBM, là ba mẫu tự đi liền trước tên hãng này). HAL vẫn là viễn tưởng, nhưng các thứ khác đã trở thành quen thuộc với chúng ta từ hàng chục năm nay.

Sinh thời, Clarke vẫn tự hào đã gây được sự đam mê cho các thế hệ nghiên cứu và thám hiểm không gian như không ít người trong ngành đã bày tỏ với ông. Thực vậy, các tác phẩm của Clarke có thể không phải là những tác phẩm văn chương lớn, nhưng những ý tưởng trong đó về khám phá vũ trụ, về viễn ảnh sống còn của nhân loại trong tương lai xa và gần đã có phần ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc nghiên cứu thế giới bao la bên ngoài trái đất.


Các "định luật" Clarke (trích trong “Profiles of the Future”, 1962):

1. Khi một khoa học gia nổi tiếng mà lớn tuổi cho rằng một chuyện gì đó là có thể xảy ra được thì ông ta hầu như chắc chắn đúng. Song khi vị này bảo rằng chuyện gì đó là không thể có được thì phần chắc là ông ta sai. (When a distinguished but elderly scientist states that something is possible, he is almost certainly right. When he states that something is impossible, he is very probably wrong.)

2. Cách duy nhất để xác định lằn ranh của cái có thể là mạo hiểm vượt qua lằn ranh đó để đi về hướng cái không thể. (The only way of discovering the limits of the possible is to venture a little way past them into the impossible.)

3. Bất kỳ công nghệ kỹ thuật nào phát triển đúng mức cũng đều không khác gì phép thần thông. (Any sufficiently advanced technology is indistinguishable from magic.)